Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, không phải tất cả các loại đường đều có hại cho sức khỏe. Nghiên cứu được thực hiện trên 70.000 nam và nữ giới từ năm 1997 đến năm 2009 tại Thụy Điển, và mới được công bố ngày 9/12/2024 trên tạp chí Frontiers cho thấy, việc tiêu thụ hơn 8 ly đồ uống có đường mỗi tuần sẽ dẫn tới những nguy cơ về các bệnh tim mạch như đột quỵ, suy tim, rung tâm nhĩ, phình động mạch chủ… Cụ thể, việc sử dụng quá nhiều nước ngọt có ga làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 19%.
Cô Suzanne Janzi, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Lund (Thụy Điển), giải thích: các thành phần đường bổ sung có trong đồ uống ngọt thường ở dạng lỏng và mang lại cảm giác no ít hơn so với đường ở dạng rắn. Những sản phẩm này khiến cho người tiêu dùng không cảm thấy no, dẫn đến tình trạng tiêu thụ quá mức.
Một lượng đường vừa đủ dung nạp qua những bữa ăn thường ngày có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh: Le Monde) |
Ngược lại, cũng theo nghiên cứu này, việc sử dụng những đồ ăn ngọt thuần như bánh ngọt, kem, kẹo hay sôcôla, với liều lượng vừa đủ, là tốt cho sức khỏe, hơn là không sử dụng một chút nào.
Có chung tầm nhìn trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Cơ quan An toàn thực phẩm quốc gia Pháp (ANSES) gần đây cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân về việc không sử dụng quá một ly đồ uống có đường mỗi ngày.
Đường và tác động đối với sức khỏe
Trong cuộc sống hiện đại, các loại đường thường thấy trong thực phẩm và đồ uống hằng ngày, gồm glucose, fructose, sucrose và lactose.
Trong đó, glucose có mặt trong hầu hết tất cả các sản phẩm thực vật có vị ngọt, như trái cây, mật ong và một số loại rau củ, và cũng có ở trạng thái tự do trong các chất lỏng sinh học như máu.
Fructose, công thức phổ biến trong tự nhiên, thường được thấy trong các loại rau quả có củ. Còn lactose là loại đường tự nhiên thường thấy trong các sản phẩm sữa.
Sucrose là loại đường tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, rau quả và ngũ cốc. Sucrose được sử dụng rộng rãi để làm ngọt, bảo quản và tạo kết cấu trong chế biến thực phẩm như kẹo, kem, nước có ga, và thường được chiết xuất từ đường mía hoặc củ cải đường.
Nước ngọt có ga dễ uống, dễ giải khát nên thường được tiêu thụ quá mức. (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, vào năm 2016, Cơ quan An toàn thực phẩm quốc gia Pháp (ANSES) đã từng công bố bản báo cáo cập nhật về các quy chuẩn của Chương trình Dinh dưỡng và Sức khỏe quốc gia Pháp (PNNS) nhằm đề xuất các kiến nghị đối với những sản phẩm tiêu dùng có chứa đường.
Bản báo cáo cho thấy, việc tiêu thụ đường vượt quá số lượng nhất định sẽ đi kèm theo những rủi ro cho sức khỏe, gây tăng cân, tăng chất béo và axit uric trong máu. Các chất tạo ngọt cũng không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho người tiêu dùng.
Do đó, lượng đường dư thừa có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh liên quan đến tiểu đường, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.
Trước kết quả nghiên cứu của ANSES về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đường và rủi ro sức khỏe sức khỏe răng miệng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khuyến nghị giảm lượng đường tiêu thụ xuống dưới 10% tổng năng lượng hấp thụ trong ngày, thậm chí lý tưởng nhất là dưới 5%. Lượng đường tiêu thụ này bao gồm đường và các thành phần có đặc tính tạo ngọt, bao gồm cả những chất có trong tự nhiên như mật ong hay nước ép trái cây được bổ sung thêm vào trong quá trình sản xuất hoặc chế biến thực phẩm.
Thực trạng sử dụng thực phẩm và đồ uống có đường tại Pháp
Chuyên mục “Tạp chí Sức khỏe” trên Đài FranceInfo cũng chỉ ra rằng các loại nước ép trái cây nguyên chất 100%, không bổ sung thêm đường, không hẳn đã tốt cho sức khỏe. Ngay cả việc sử dụng một ly nước ép hoa quả mỗi ngày vẫn có nguy cơ dẫn đến tình trạng dư thừa đường và tăng cân.
Trẻ em được khuyến khích nên ăn nguyên quả, thay vì uống nước ép, vì chất xơ thực sự cần thiết cho sức khỏe tiêu hóa của con người. Cùng với đó, lượng vitamin hấp thụ vẫn được bảo đảm.
Một thực tế cho thấy, từ 20 cho đến 30% người lớn và thanh thiếu niên tại Pháp sử dụng đường nhiều hơn 100 gram mỗi ngày. 60% trẻ em từ 8-12 tuổi tiêu thụ vượt quá 75 gram đường, và có tới 75% trẻ em từ 4-7 tuổi vượt ngưỡng 60 gram.
Các cơ quan chức năng của Pháp nỗ lực hạn chế sự xuất hiện của các chương trình quảng cáo đối với những thực phẩm và đồ uống có đường trong các khung giờ có trẻ em theo dõi. (Ảnh: Ouest France) |
Cùng với đó, các quảng cáo trên truyền hình về những sản phẩm tiêu thụ có đường vẫn xuất hiện nhiều, nhất là tại các khung giờ xem chung của gia đình. Theo các nhà chức trách y tế của Pháp, cứ mỗi 10 TVC quảng cáo về thực phẩm, có đến 6 sản phẩm thuộc nhóm béo, ngọt và mặn.
Các cơ quan chức năng của Pháp quyết định hạn chế cung cấp các sản phẩm đường tại các không gian sư phạm, tăng cường tuyên truyền tới người dân về việc tiêu thụ hợp lý những sản phẩm có đường.
Đặc biệt, Pháp và Vương quốc Anh đã tiến hành triển khai chính sách đánh thuế đối với các sản phẩm đồ uống có đường tùy theo hàm lượng trên mỗi đơn vị. Tại Anh, chính sách này đã ghi nhận một sự cải tiến công thức đáng kể về hàm lượng các thành phần đường và chất tạo ngọt trong quá trình sản xuất đồ uống.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cũng phải sử dụng thang điểm dinh dưỡng (Nutri-Score) theo từng cấp độ, tương ứng với từng sản phẩm, in ấn rõ ràng bên ngoài bao bì, để người tiêu dùng có thể tự quyết định việc có nên sử dụng hay không những mặt hàng này.
Giải pháp của châu Âu vì sức khỏe cộng đồng
Được các nhà khoa học đề xuất vào năm 2014, thang điểm dinh dưỡng (Nutri-Score) chính thức được Bộ Y tế Cộng đồng Pháp đưa vào sử dụng từ năm 2017, theo sau là 6 quốc gia châu Âu khác bao gồm Bỉ, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
Vào năm 2022, một cơ quan quản lý xuyên quốc gia về thang điểm dinh dưỡng Nutri-Score ra đời, quy tụ các nhà nghiên cứu của các quốc gia đã áp dụng chính thức biện pháp này, làm báo cáo toàn diện thường niên về các loại thực phẩm và đồ uống.
Thang điểm dinh dưỡng này sẽ được các nhà khoa học cập nhật thường xuyên dựa theo sự phát triển của lĩnh vực dinh dưỡng cũng như sự phát triển của thị trường thực phẩm, trong đó có sự đổi mới và cải tiến của các nhà sản xuất.
Nutri-Score là bước đầu trong nỗ lực thay đổi hàm lượng đường trong các thực phẩm và đồ uống, cũng như định hướng thói quen tiêu dùng lành mạnh hơn cho người dân. (Ảnh: FranceInfo) |
Sau hai năm triển khai, bảng xếp hạng các sản phẩm thực phẩm và đồ uống đã có những tiêu chí khắt khe hơn. Cụ thể, trong lĩnh vực nước giải khát, nước khoáng là sản phẩm duy nhất được xếp hạng A, sau đó là các loại đồ uống ít đường, nhiều đường hoặc có chứa chất tạo ngọt.
Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất phải luôn tìm cách đổi mới và cải tiến công thức nhằm tạo ra những sản phẩm với chất lượng dinh dưỡng cao hơn, cùng với hàm lượng đường, muối và chất béo hạn chế hơn. Mục đích là nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, định hướng hành vi tiêu dùng tới những lựa chọn lành mạnh hơn và nâng cao vị thế của sản phẩm.
Các công ty châu Âu trong lĩnh vực nước giải khát đang dần tăng thị phần đồ uống không calo hoặc ít calo lên trên 29%. Thậm chí, một số thị trường còn vượt mức cao hơn nhiều. Thị phần đồ uống “thế hệ mới” này tại Tây Ban Nha đạt 40%, Thụy Điển 42%, Ireland 55% và Na Uy 56%.
Ngoài các chiến dịch ở cấp khu vực, một số quốc gia cũng tiến hành các cam kết giảm hàm lượng đường đối với ngành nước giải khát. Cộng hòa Áo đặt mục tiêu giảm 15% hàm lượng đường bổ sung trong đồ uống vào năm 2025. Tại Đan Mạch, các nhà sản xuất nước giải khát định hướng mục tiêu giảm 15% hàm lượng đường bổ sung vào năm 2030, Latvia cũng đặt tiêu chí giảm 20% trong cùng năm.
Sau khi hoàn thành giảm 25% hàm lượng đường trong đồ uống giải khát ở giai đoạn 2012-2020, Bỉ có kế hoạch giảm thêm 7% vào năm 2025. Italia cũng vậy, sau thành công đạt mức giảm 27% hàm lượng đường trong giai đoạn 2009-,2019, quốc gia Địa Trung Hải này thậm chí còn giảm thêm 10% vào năm 2022. Một số thị trường khác như Tây Ban Nha và Thụy Điển gần đây cũng bắt tay vào cắt giảm thêm hàm lượng đường trong các sản phẩm đồ uống.
Có thể nói, ngành thực phẩm và đồ uống châu Âu đang dần chuyển mình với những chính sách lấy con người và sức khỏe làm trung tâm của sự phát triển bền vững.