Mong muốn có lương hưu của những người đạp xích lô “phố Hội”

Dù đời sống chưa thực sự dư dả, nhưng đã có những người dân làm nghề đạp xích lô, chèo thuyền phục vụ khách du lịch tại thành phố Hội An (Quảng Nam) trích một phần thu nhập để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, coi như phần tiết kiệm để có lương hưu khi về già.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An tuyên truyền chính sách cho các đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô Hội An.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An tuyên truyền chính sách cho các đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô Hội An.

Chúng tôi có cơ hội nhận lương hưu

Ông Phan Phước Tùng (58 tuổi), Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An hiện là một trong hơn 10 người tại Nghiệp đoàn đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 1 năm nay.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Tùng cho biết: "Cách đây hơn 1 năm, Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An đã phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, lúc đó tôi mới biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện - loại hình an sinh xã hội này do Nhà nước hỗ trợ và sau này cũng sẽ có lương hưu nếu tham gia đủ thời gian. Tôi đã dành thời gian tìm hiểu về mức đóng, thời gian đóng, bởi dù gì cũng là “đồng tiền liền khúc ruột”. Đồng thời, tìm hiểu cả về những quyền lợi và lợi ích được hưởng".

Do hai con cũng đã lớn, thu nhập cũng ổn định dần do du lịch phục hồi, nên ông Tùng lựa chọn mức đóng hơn 1,1 triệu đồng/tháng. Trong đó, mức đóng này có sự hỗ trợ 10% theo quy định chung của Nhà nước và 5% mức hỗ trợ thêm của tỉnh Quảng Nam (nhóm đối tượng khác).

Mong muốn có lương hưu của những người đạp xích lô “phố Hội” ảnh 1
Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng chia sẻ với phóng viên.

Tôi đã dành thời gian tìm hiểu về mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bởi dù gì cũng là “đồng tiền liền khúc ruột”. Đồng thời, tìm hiểu cả về những quyền lợi và lợi ích được hưởng.

Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đã 57 tuổi, ông Phan Phước Tùng chia sẻ, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội giảm xuống 15 năm như dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra, thì đến năm 70 tuổi ông có cơ hội được hưởng lương hưu.

Được thành lập từ năm 1997, Nghiệp đoàn xích lô Hội An với 102 thành viên là tổ chức cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hội An tập hợp những người lao động tự do làm nghề đạp xích lô tại phố cổ Hội An.

Thời gian qua, được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền, trong đó vai trò nòng cốt là cơ quan Bảo hiểm xã hội các thành viên nghiệp đoàn xích lô đã biết tới hình thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến nay, đã có hơn 10 thành viên của Nghiệp đoàn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với các mức đóng khác nhau, dao động khoảng từ 500.000 - 800.000 đồng mỗi tháng.

“Tôi cũng thường tuyên truyền lồng ghép với các hoạt động của nghiệp đoàn về lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện để mọi người tham gia, coi như là một sự tích lũy cho tuổi già. Kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch trở lại Hội An ngày một nhiều, thu nhập của anh em trong Nghiệp đoàn cũng ổn định hơn, trung bình từ 8 triệu-12 triệu đồng/tháng nên cũng là thời điểm phù hợp để các thành viên Nghiệp đoàn tiếp cận và tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, để mọi người có thể an tâm khi tuổi cao, sức yếu"

Là thành viên của Nghiệp đoàn xích lô phố cổ Hội An, ông Huỳnh Tân (47 tuổi) cho biết, với mức thu nhập khoảng 10 triệu/tháng ông lại đang phải nuôi 2 con học đại học và trung học phổ thông. Nhưng sau khi nghe các cán bộ của Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và thấy các đồng nghiệp đã tham gia loại hình an sinh này, ông cũng đang cân nhắc việc dành ra khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng để tham gia với mong muốn “có của để dành về già, khi không còn sức đạp xích lô”.

Hiệu quả từ cách tiếp cận, vận động trực tiếp người dân

Hiện nay, tại thành phố Hội An, ngoài Nghiệp đoàn xích lô còn có Nghiệp đoàn ghe bơi du lịch sông Hoài. Thay vì cách làm truyền thống là tổ chức hội nghị tuyên truyền, Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An cùng với Liên đoàn Lao động và Ban Chấp hành hai nghiệp đoàn chuyển sang hình thức đối thoại, tư vấn trực tiếp tại các tuyến đường trong khu vực phố cổ, bến Bạch Đằng cho các đoàn viên.

Mong muốn có lương hưu của những người đạp xích lô “phố Hội” ảnh 2

Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội cho lao động tự do.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An Nguyễn Hồng Quang cho biết: “Ban đầu, số đoàn viên hưởng ứng tham gia chính sách này rất ít, nhưng ‘trong cái khó ló cái khôn’, bằng việc thay đổi phương pháp tuyên truyền sang hình thức đối thoại, tư vấn trực tiếp tại các tuyến đường trong khu vực phố cổ, bến Bạch Đằng. Cách làm này đã mang lại hiệu ứng tích cực, từ chỗ chỉ có 3 đoàn viên tham gia (năm 2022), đến nay, đã có 26 đoàn viên tham gia”.

Trao đổi về việc làm thế nào để “đưa” bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đến với các tổ chức nghề nghiệp ngày một hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, do kinh tế hồi phục sau đại dịch nên đây là nhóm đối tượng có thu nhập tương đối ổn định, vì vậy nên rất có cơ sở để vận động hiệu quả.

"Kinh nghiệm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại hai nghiệp đoàn cho thấy, việc tuyên truyền theo nhóm nhỏ, hiểu đặc thù công việc của họ và nói theo ngôn ngữ của họ một cách dễ hiểu mới mang lại hiệu quả" - ông Lanh chia sẻ.

Có thể thấy, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân, người lao động.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội thành phố đã chủ động tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến từng xã, phường.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân, người lao động.

Đồng thời, cơ quan này phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên phụ nữ tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhất là vận động hội viên phụ nữ ở các nơi còn khó khăn tham gia bảo hiểm y tế để có đủ điều kiện khám chữa bệnh khi ốm đau…

Để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An còn đã tổ chức các chuyến công tác đến xã đảo Tân Hiệp để phối hợp cùng Ủy ban nhân dân xã tuyên truyền, giúp người dân an tâm, tin tưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Không chỉ đến từng nhà để vận động, tuyên truyền, cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội còn đến những nơi công cộng tập trung đông người như chợ, trạm xá, khu cầu cảng để cấp, phát tờ rơi…

Qua đó, người dân trên đảo đã hiểu rõ và an tâm, tin tưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bởi đây là chính sách đúng đắn và rất nhân văn của Nhà nước.

Hiện nay, toàn xã có gần 120 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cách làm này đã có sức lan tỏa để người dân xã đảo ngày càng hiểu rõ và tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.