Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia G20 cuối cùng phê chuẩn Hiệp định khí hậu Paris

NDO -

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trở thành quốc gia G20 cuối cùng tham gia sau nhiều năm trì hoãn.

Bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.
Bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Từ tháng 4/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng ký kết Hiệp định Paris, nhưng quốc hội nước này đã không phê chuẩn thỏa thuận vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa phải là một quốc gia phát triển như một phần trong Hiệp định này. Điều này khiến nước này phải có nhiều trách nhiệm hơn trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ lệ phát thải carbon rất nhỏ.

Hiện nay, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đang xếp Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm Phụ lục I, được mô tả là các nước công nghiệp phát triển.

Ngày 6/10, 353 thành viên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí phê chuẩn Hiệp định Paris nhưng với tư cách là một quốc gia đang phát triển và sẽ thực hiện thỏa thuận này miễn là không "làm tổn hại đến quyền phát triển kinh tế và xã hội."

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gửi đề xuất tới Ban Thư ký UNFCCC ở Bonn, Đức, để xóa tên nước này khỏi danh sách Phụ lục I.

Đề xuất này nằm trong chương trình nghị sự tạm thời cho Hội nghị về Biến đổi khí hậu COP26 sẽ được tổ chức tại Glasgow, Anh từ ngày 31/10 đến 12/11.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ được ra khỏi danh sách các quốc gia của Phụ lục I, nước này có thể được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư, bảo hiểm và chuyển giao công nghệ được cung cấp như một phần của Hiệp định.

Hiệp định Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và "nỗ lực" để giới hạn ở mức 1,5 độ C.