Đồng Nai khuyến khích doanh nghiệp tái chế chất thải

NDO -

Là tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước nên nhu cầu xử lý chất thải trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sinh hoạt là rất lớn. Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch, đưa 7 khu xử lý chất thải tập trung vào hoạt động, thu hút doanh nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi.

Rác thải nhựa được tái chế thành ván ép để xuất khẩu tại Công ty Thanh Tùng 2.
Rác thải nhựa được tái chế thành ván ép để xuất khẩu tại Công ty Thanh Tùng 2.

Với sự đồng hành của chính quyền, đến nay, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại để tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững.

Tái chế rác thải nhựa xuất khẩu

Cuối tháng 12/2021, lô hàng tấm ván ép đầu tiên được tái chế từ rác thải nhựa công nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thanh Tùng 2 (Công ty Thanh Tùng 2), Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (Đồng Nai) được xuất khẩu sang Scotland. Sự kiện mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp này trong việc thực hiện tái chế chất thải từ nhựa làm đồ nội thất.

Đồng Nai khuyến khích doanh nghiệp tái chế chất thải -0
Chuyên gia từ Công ty ReForm Plastic hướng dẫn chuyển giao quy trình tái chế rác thải nhựa thành tấm ván ép.

“Ưu điểm của sản phẩm này là làm từ nguyên liệu rác tái chế, do đó, giá thành cạnh tranh với các loại ván ép khác trên thị trường. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ xuất khẩu sản phẩm ván ép nhựa ra nước ngoài mà còn tái chế chất thải, làm ra sản phẩm tủ, bàn ghế đưa được đến vùng sâu, vùng xa với giá thành thấp hơn các loại thông thường nhưng chất lượng ngang bằng hoặc tốt hơn”, kỹ sư Huỳnh Phước Lộc, Giám đốc điều hành nhà máy cho hay.

Cũng theo kỹ sư Huỳnh Phước Lộc, nếu như trước đây đa phần các loại rác thải công nghiệp từ nhựa sau khi phân loại được xử lý theo phương pháp đốt, thì nay việc tái chế ra sản phẩm để sử dụng là bước đi quan trọng trong thực hiện bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đang bức bách không chỉ nước ta mà còn trên thế giới. Để làm được điều này, ngoài kinh nghiệm nhiều năm thực hiện tái chế chất thải, Công ty Thanh Tùng 2 đã được chuyển giao quy trình, công nghệ từ Công ty Reform Plastic, 1 doanh nghiệp chuyên thực hiện tái chế chất thải đến từ Cộng hòa Liên bang Đức.

Trực tiếp chuyển giao công nghệ thực hiện tái chế tấm ván ép từ rác thải nhựa, ông Jan Zellmann, Phó Giám đốc, nhà đồng sáng lập Công ty ReForm Plastic, cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi là doanh nghiệp xã hội hướng đến tác động tích cực đối với môi trường thông qua phát triển và cung cấp công nghệ, quy trình tái chế rác thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị thấp cho các đơn vị khai thác chất thải tại Việt Nam. Ngoài Công ty Thanh Tùng 2, chúng tôi đang chuyển giao xử lý rác thải nhựa tiêu dùng ở Hội An. Tái chế rác thải nhựa công nghiệp không có khả năng mua bán nhằm tạo ra giải pháp thay thế vừa tạo ra lợi nhuận, vừa thay thế xử lý rác bằng cách đốt hoặc thải ra bãi chôn lấp”.

Kết quả kiểm nghiệm chất lượng của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polymer, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, sản phẩm tái chế ván ép nhựa của doanh nghiệp Thanh Tùng 2 đều đạt chất lượng về độ bền, an toàn với sức khỏe người sử dụng và môi trường.

Hiện, Khu xử lý chất thải Quang Trung là nơi đang xử lý 1.200 tấn/ngày, chiếm khoảng 70% lượng chất thải toàn tỉnh Đồng Nai. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ Sonadezi đã đầu tư nhà xưởng, máy móc trị giá hơn 230 tỷ đồng để thực hiện tái chế chất thải sinh hoạt làm ra mùn hữu cơ để sản xuất phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đồng Nai khuyến khích doanh nghiệp tái chế chất thải -0
Sản phẩm tấm ván ép được tái chế từ rác thải nhựa xuất khẩu sang thị trường châu Âu của Công ty Thanh Tùng 2.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Sonadezi Trần Anh Dũng cho biết, công nghệ làm phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt là cổ điển, nhưng hệ thống thiết bị được đầu tư theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài làm phân vi sinh, tại khu xử lý các loại rác công nghiệp có nguồn gốc từ nhựa, nhôm được thu hồi, chuyển giao cho các đơn vị thực hiện tái chế ra các sản phẩm để sử dụng. Hiện, chất thải ở khu xử lý lớn nhất của Đồng Nai này được tái chế khoảng 85%, qua đó, góp phần giảm tối đa phần chôn lấp chất thải sinh hoạt của toàn tỉnh xuống dưới 15%.

“Thực tế, nếu chỉ xử lý rác thải sinh hoạt doanh nghiệp sẽ không chịu nổi, do đó, chúng tôi kết hợp xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Tại Đồng Nai, sau thời gian nhiều doanh nghiệp đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt, đến giờ này còn rất ít đơn vị thực hiện vì chi phí đầu tư cao và nhiều rủi ro, trong khi thu hồi vốn lại chậm”, ông Trần Anh Dũng nói.

Để phát triển bền vững

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, hiện, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 3.600 tấn chất thải các loại. Trong đó, chất thải sinh hoạt hơn 1.800 tấn, tăng gần gấp đôi so năm 2010. Ngoài xử lý theo lối truyền thống lâu nay là chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh, nhiều doanh nghiệp xử lý chất thải đã và đang mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại để thực hiện tái chế các loại chất thải.

Đồng Nai khuyến khích doanh nghiệp tái chế chất thải -0
Tủ được tái chế từ rác thải nhựa của Công ty Thanh Tùng 2.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đồng Nai Lê Văn Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 7 khu xử lý với 17 dự án xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp, kể cả chất thải nguy hại đang hoạt động. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai ưu tiên về chính sách đất đai, thuế đối với chủ nguồn thải tái chế và các doanh nghiệp cũng biết khi họ tái chế sẽ được giảm chi phí xử lý nên thực hiện tương đối tốt. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt buộc doanh nghiệp phải tái chế nhiều loại chất thải. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Tỉnh Đồng Nai xác định, trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững thì việc hạn chế chôn lấp, nâng tỷ lệ tái chế chất thải là giải pháp mà các cơ quan chức năng đang quyết liệt thực hiện. Trong lộ trình đó, rất cần sự tích cực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có kinh nghiệm, nguồn lực tài chính và công nghệ thực hiện tái chế chất thải.