Bằng nhiều hình thức xúc tiến thương mại, đầu tư, thành phố không chỉ giúp các doanh nghiệp tìm được cơ hội hợp tác đầu tư, mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giúp doanh nghiệp kết nối thị trường Bangladesh
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (Bangladesh) tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt Nam. Theo thống kê, sáu tháng đầu năm 2024, Bangladesh có tổng cộng 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 980 triệu USD.
Về thương mại, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực Nam Á: Năm 2023, chiếm 9,3% xuất khẩu của Việt Nam đến Nam Á, và chiếm 2% nhập khẩu của Việt Nam từ Nam Á. Thương mại giữa hai nước tăng gần bốn lần trong vòng 10 năm, từ 350 triệu USD vào năm 2012 lên khoảng 1,1 tỷ USD vào năm 2023.
Kim ngạch xuất nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2024 giữa Việt Nam và Bangladesh ước đạt 562 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Bangladesh ước đạt 505 triệu USD. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm clinker và xi-măng (110 triệu USD); xơ, sợi dệt các loại (83,8 triệu USD); hàng dệt, may (90 triệu USD); chất dẻo nguyên liệu (28 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (37 triệu USD)…
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, thương mại và đầu tư với Bangladesh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tính đến tháng 6/2024, Bangladesh có 13 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 650 triệu USD, xếp 61/113 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào địa phương này.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố cho biết: Bangladesh luôn là đối tác quan trọng về thương mại của Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.
Cho đến nay, hai nước đã có nhiều hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, dệt may, dịch vụ phần mềm, hợp tác lĩnh vực ngân hàng và du lịch… Cả hai nước đều có nhu cầu tìm kiếm đối tác và thị trường mới, đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác theo hướng hiệu quả hơn.
Trong khi đó, ông Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam có thể coi Bangladesh là cửa ngõ để thâm nhập và mở rộng sang thị trường Nam Á. Bangladesh kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Bangladesh vì đây là quốc gia có cơ chế đầu tư ấn tượng, các lợi ích tài chính và phi tài chính đa dạng, cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Để tăng cường thương mại song phương và thúc đẩy quỹ đạo kinh tế, hai bên cần đẩy nhanh các nghiên cứu tìm hiểu khả năng ký kết hiệp định thương mại tự do song phương nhằm tăng cường ổn định quan hệ kinh tế và thương mại. Đồng thời, sớm bắt đầu kết nối hàng không trực tiếp giữa Dhaka và Hà Nội để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, thúc đẩy du lịch.
Tìm cơ hội xuất khẩu sang Canada
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố nói riêng và cả nước nói chung cập nhật thông tin mới nhất về thị trường Canada, cũng như kết nối với các nhà mua hàng và nhà nhập khẩu từ Canada, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố tổ chức sự kiện kết nối thương mại song phương giữa các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam và Canada.
Canada hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khu vực châu Mỹ, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN. Sáu tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 3,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là dệt may, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, hạt điều. Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Canada. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố sáu tháng đầu năm 2024 sang Canada ước đạt 215 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến tháng 7 năm nay, Canada có gần 140 dự án đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn là 134 triệu USD. Ông Trần Phú Lữ cho biết: Thành phố luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Canada. Giữ vai trò là một trong những cầu nối vững chắc, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố luôn chủ động phối hợp các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các nước, trong đó có Canada.
Qua đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Canada đầu tư kinh doanh tại thành phố, cũng như các doanh nghiệp trong nước đầu tư, xuất khẩu sang Canada. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp cập nhật những tiêu chí, quy định mới nhất về thị trường, thông tin xuất nhập khẩu, xây dựng thương hiệu từ Canada, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các nhà mua hàng, nhà nhập khẩu của Canada. Đặc biệt, là đưa ra các đề xuất giải pháp thúc đẩy thương mại song phương, nhất là cho ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ logistics…
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều thách thức như hiện nay, Canada đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường hội tụ đủ các yếu tố như: Vị trí địa lý chiến lược, dân số trẻ, thị trường tiêu dùng đang phát triển, giao thương rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do.
Ông Zach Herbers, Giám đốc Công ty The Herbers Agency Việt Nam nhận định: Hoạt động thương mại giữa Canada và Việt Nam sẽ tăng trưởng hằng năm trong thập kỷ tới. Để khai thác hiệu quả thị trường Canada, các doanh nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu sản phẩm của khách hàng, các đối thủ cạnh tranh… nhằm tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.