Diễn đàn bàn các giải pháp sử dụng thực phẩm bền vững 2024

NDO - Ngày 16/10, nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Lương thực Thế giới (16/10), Mạng lưới phát triển thực phẩm Việt Nam; Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) và Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN) phối hợp tổ chức diễn đàn thực phẩm bền vững 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm tại diễn đàn.
Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã cùng trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp bền vững trong lĩnh vực này.

Mục tiêu Net zero bằng 0 vào 2050

Hoạt động này được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ môi trường trong ngành nông nghiệp và thực phẩm.

Trong đó, tập trung vào các giải pháp quản lý nguồn tài nguyên, thực hành nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu chất thải thực phẩm.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những cơ hội, thách thức từ việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ thực phẩm ở mỗi địa phương và khu vực.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), nông nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải. Trong đó, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 48%, chăn nuôi (15,3%), sử dụng phân bón tổng hợp (12,9%) và xử lý phân chuồng (9,5%).

Tôn vinh cá nhân, tổ chức phát triển các giá trị của thực phẩm cho cộng đồng

Tại diễn đàn, các đơn vị đã tổ chức Lễ tôn vinh các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp với nỗ lực bền bỉ trên suốt hành trình phát triển các giá trị của thực phẩm cho cộng đồng, cho xã hội tại Việt Nam. Sau nhiều vòng thẩm định, xét duyệt, Hội đồng đã quyết định chọn ra 20 tập thể, cá nhân được tôn vinh ở các hạng mục giải thưởng: Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu; Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu; Tạo tác động xã hội và Dự án vì cộng đồng.

Diễn đàn bàn các giải pháp sử dụng thực phẩm bền vững 2024 ảnh 1

Các cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực thực phẩm tại lễ tôn vinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…”.

Một thống kê khác đáng chú ý, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam hiện đang xếp vị trí thứ hai (sau Trung Quốc) khi có hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hay vứt bỏ mỗi năm trong khi nó vẫn còn sử dụng, tận dụng được. Điều này gây tổn hại khoảng 3,9 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 2% GDP hiện nay.

Nhiều biện pháp trung hòa carbon

Ở quy mô lớn hơn, các hệ thống sản xuất thực phẩm và đồ uống, bao gồm nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất, chế biến, vận chuyển, đóng gói, bán lẻ và xử lý chất thải gây ra khoảng 25 đến 34% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Nhằm giảm thiểu tình trạng này, một số quốc gia và khu vực đã bắt đầu đưa ra các chính sách và quy định nhằm khuyến khích các công ty, tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp trung hòa carbon với một số giải pháp cụ thể như: nỗ lực phát triển tính bền vững trong năng lượng xanh, quản lý nước, đóng gói, tìm nguồn cung ứng và xử lý chất thải.

Diễn đàn bàn các giải pháp sử dụng thực phẩm bền vững 2024 ảnh 3

Mỗi năm, Việt Nam lãng phí hơn 8 triệu tấn lương thực, thực phẩm, ước tính khoảng 3,9 tỷ USD. (Ảnh: internet)

Tại Việt Nam, việc mất cân bằng thực phẩm gây ra lãng phí và ảnh hưởng đến phát triển bền vững của người dân. Nhằm chung tay thực hiện các giải pháp cụ thể, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” từ việc chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế xanh.

Việc chuyển đổi phải gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, hướng tới ổn định sinh kế, tăng thu nhập cho người dân góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng nguồn thực phẩm an toàn, lành mạnh, chất lượng cho mọi đối tượng trong xã hội. Đặc biệt hơn trong việc hỗ trợ thực phẩm cấp thiết cho người dân khu vực khó khăn, người yếu thế, dễ bị tổn thương, người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, hạn hán.

Ra mắt Hội đồng phát triển mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam

Trước đó, trong chuỗi hoạt động nhân Ngày Lương thực Thế giới, tại tỉnh Đồng Nai, Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam phối hợp cùng Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu cùng các đối tác, tổ chức hội nghị và ra mắt Hội đồng phát triển lãnh đạo và đối tác mạng lưới ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodbanking Network) với 13 thành viên.

Diễn đàn bàn các giải pháp sử dụng thực phẩm bền vững 2024 ảnh 4

Các thành viên Hội đồng phát triển mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam.

Hội đồng có vai trò, trách nhiệm kết nối các nguồn thực phẩm dư thừa để trao đến cho các đối tượng cần; các nhóm dễ bị tổn thương như hộ nghèo, trẻ em mồ côi và người cao tuổi, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người gặp khó khăn.