Tăng trưởng tín dụng chuyển biến tích cực

Sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát và lãi suất vẫn neo ở mức cao. Trước bối cảnh đó, dưới sự điều hành linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì đà phát triển bền vững, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại Nam A Bank.
Khách hàng giao dịch tại Nam A Bank.

Tín dụng tăng trưởng, ngân hàng lãi lớn

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung, tín dụng tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực; riêng tháng 6/2024, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng đầu năm, tăng 2,03%.

Sáu tháng đầu năm, tín dụng tăng 4% so với cuối năm và tăng 11,06% so với cùng kỳ; đây là mức tăng trưởng phù hợp nếu so sánh với cùng kỳ này năm trước, tín dụng sáu tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,75%. Kết quả hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố sáu tháng đầu năm đã góp phần tích cực vào môi trường kinh tế-xã hội và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Trong sáu tháng đầu năm, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) dẫn đầu thị trường về hiệu quả với lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 12,8%, tiếp tục thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và ngành tài chính ngân hàng gặp không ít thách thức.

Riêng quý II/2024 lợi nhuận trước thuế đạt 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tốt về quy mô, cải thiện phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ. Tỷ lệ ROE của ACB tiếp tục duy trì ở mức cao 23,4%, dẫn đầu thị trường về mức độ hiệu quả.

Cụ thể, huy động của ACB đạt 512.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với đầu năm, vượt so với tăng trưởng bình quân toàn ngành. Trong khi đó, tín dụng của ACB đạt 550.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8% so với đầu năm, tăng gấp đôi so với bình quân ngành. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua. Tăng trưởng tốt về quy mô cũng giúp thu nhập lãi của ACB tăng 11% so với cùng kỳ.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao với 13%, chủ yếu đến từ các sản phẩm cốt lõi như phí thẻ, thanh toán quốc tế… đưa tổng thu nhập lũy kế hai quý đầu năm đạt 16.800 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5%. Đáng chú ý, sáu tháng đầu năm, ACB vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường, với mức 1,5%.

Là ngân hàng duy nhất trong hệ thống ngân hàng có cổ phiếu chào sàn HoSE trong sáu tháng vừa qua, Nam A Bank tiếp tục khẳng định sự phát triển bền vững bằng những kết quả hoạt động tích cực; trong đó, lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm 2024 bứt phá, đạt hơn 2.217 tỷ đồng (tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 55,4% so với kế hoạch năm 2024).

Tổng tài sản Nam A Bank đạt hơn 228.000 tỷ đồng (tăng 14,3% so với năm 2023, hoàn thành 98,7% so với kế hoạch năm 2024), các chỉ số an toàn về hoạt động vượt quy định Ngân hàng Nhà nước. Nam A Bank vẫn duy trì chiến lược thanh khoản ổn định và an toàn, nợ xấu được kiểm soát tốt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (giảm 0,15 điểm % so với cùng kỳ năm 2023).

Đại diện Nam A Bank cho biết: “Trước bối cảnh đầy thách thức của thị trường, Nam A Bank đã triển khai chiến lược đúng đắn, khả năng thích ứng cao để tạo đà tăng trưởng bền vững trong sáu tháng đầu năm 2024. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Nam A Bank hoàn thành các mục tiêu trong năm, sớm hiện thực hóa chiến lược vào Top 15 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam”.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn thành phố đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội thành phố.

Sáu tháng đầu năm, GRDP Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm trở lại đây, với mức tăng 6,46%. Trong đó, lãi suất thấp cùng với các chương trình tín dụng tập trung và các gói tín dụng ưu đãi; chính sách cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Riêng cho vay năm nhóm ngành lĩnh vực, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.582.000 tỷ đồng; trong đó, dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 82% tổng dư nợ cho vay.

Đáng chú ý, với tinh thần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, gắn việc ký kết cho vay vốn, giải ngân gói tín dụng ưu đãi với các tiêu chí về giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, tăng hạn mức tín dụng, về cho vay xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm đối tượng của các gói tín dụng ưu đãi như gói 30.000 tỷ đồng; gói 120.000 tỷ đồng; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ và chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với năm nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất không quá 4%/năm, thực tế được thụ hưởng chính sách theo đúng quy định.

Đến nay, gói tín dụng ưu đãi do 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia từ đầu năm, với quy mô gói 509.864 tỷ đồng, đã giải ngân đạt hơn 273.786 tỷ đồng (bằng 53,7%) cho 79.306 khách hàng, doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp được tổ chức thực hiện trong sáu tháng đầu năm trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá: Tín dụng tăng trưởng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Trong quá trình này, kinh tế thành phố tăng trưởng tác động tích cực ngược trở lại và là yếu tố môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Với ý nghĩa này, kết quả tăng trưởng kinh tế thành phố trong sáu tháng đầu năm cùng với những chuyển biến tích cực của thị trường hàng hóa, du lịch dịch vụ, tiêu dùng và thị trường bất động sản; trong đó, các yếu tố tích cực được phát huy, dòng tiền luân chuyển hiệu quả trở lại, sẽ dần khắc phục những điểm nghẽn và khơi thông dòng vốn - yếu tố rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng góp phần đạt được chỉ tiêu định hướng tăng tín dụng khoảng 15% trong năm 2024.