Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá rất cao sự nỗ lực của địa phương cũng như các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Thời gian tới, các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu để phát triển thương hiệu Sâm Việt Nam, đưa vào danh sách Chương trình mục tiêu quốc gia.
"Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chia sẻ những khó khăn của tỉnh Kon Tum khi muốn mở rộng đất để phát triển diện tích trồng sâm. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang rà soát các dự án, đề án bị vướng mắc về Luật, Nghị định để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn" - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giao các đơn vị của Bộ nghiên cứu kỹ thuật trồng, kiểm định chất lượng sâm, làm sao để người dân được sớm tiếp cận với nguồn giống sâm Ngọc Linh; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia để kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng; tập trung triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Kon Tum phát triển sâm Ngọc Linh xứng đáng với vị trí là cây sâm quý của quốc gia.
Đánh giá được giá trị của sâm Ngọc Linh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã định hướng, hỗ trợ các tổ chức, các nhà khoa học thực hiện một số đề tài nghiên cứu để chuẩn bị nền tảng công nghệ vững chắc nhằm phát triển nhanh chóng sản phẩm sâm Ngọc Linh xuyên suốt chuỗi giá trị của sản phẩm.
Cụ thể: Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị phân tử phục vụ giám định, khai thác và phát triển sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis); Giải trình tự và phân tích hệ gene phiên mã (transcriptome) ở sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.); Khai thác và phát triển nguồn gene sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.); Nghiên cứu phát triển trồng sâm Ngọc Linh tại các khu vực có điều kiện sinh thái tương tự núi Ngọc Linh…
Với mong muốn phát triển nguồn gene giá trị, đặc hữu của Việt Nam thành sản phẩm thương mại hóa ở quy mô lớn, không chỉ trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp cũng các bộ ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch phát triển Sâm Việt Nam trên nền tảng sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 và Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chủ trì, phối hợp các bộ ngành, địa phương có liên quan như: Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ Sâm Việt Nam trong Chương trình Sản phẩm quốc gia, giúp hình thành được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo ra vùng sâm Việt Nam tập trung, các nhà máy chế biến quy mô lớn và đặc biệt là phát huy được tối đa lợi thế tài nguyên nguồn gene đặc hữu này của Việt Nam.
Dự kiến đến năm 2025, diện tích có trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); đến năm 2030 diện tích có trồng sâm Ngọc Linh khoảng 10 nghìn ha (100 triệu cây); đến năm 2045 trồng sâm Ngọc Linh trên toàn bộ diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh trong vùng Chỉ dẫn địa lý.
Tỉnh Kon Tum đã đầu tư xây dựng 3 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu cây giống dược liệu trên địa bàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum đã xây dựng vườn ươm cây giống để đáp ứng nhu cầu phát triển phát triển diện tích sâm Ngọc Linh theo mục tiêu đã đề ra .