Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá toàn diện về cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay; tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh; tạo động lực hiện thực hóa “Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam” với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngoài những giá trị về sức khỏe, sâm Ngọc Linh còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc. Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh lại niềm tin có thể đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng. Đây là điều đã được Chủ tịch nước (khi còn là Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh tại hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác năm 2018.
Chủ tịch nước đánh giá cao các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã tích cực, chủ động bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, mở rộng diện tích gieo trồng và nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm từ loại cây quý hiếm đặc biệt này của Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những vấn đề cần khắc phục trong phát triển cây sâm Ngọc Linh như: biến đổi khí hậu, tình trạng làm hàng giả gây xáo trộn thị trường, việc áp dụng khoa học công nghệ còn chưa thật sự đạt kết quả như mong muốn. Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh cũng còn hạn chế, chưa thực sự đa dạng.
Ký kết hợp tác giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum về nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia. |
Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Ngọc Linh, Chủ tịch nước nhận định Việt Nam có cơ sở để phát triển một ngành sâm Ngọc Linh của Việt Nam với mục tiêu đạt giá trị tỷ đô la trong thời gian tới. Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch nước cho rằng, cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành với các địa phương và doanh nghiệp; cần thực hiện đồng thời vừa bảo tồn, vừa phát triển cây sâm Ngọc Linh để nâng tầm giá trị về mặt kinh tế và sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, ưu tiên trước hết cho người Việt Nam.
Cùng với đó, Chủ tịch nước cũng cho rằng cần học hỏi phát triển ngành sâm như một số quốc gia tiến tiến khác đã làm, đa dạng hóa các sản phẩm sâm Ngọc Linh để đáp ứng nhu cầu từ thấp đến cao, thâm nhập thị trường toàn cầu, nhất là phân khúc cao cấp. Đặc biệt, cần bảo vệ nguồn gene thuần chủng, không bị lai tạp; xây dựng "thánh địa" sâm Ngọc Linh ở hai địa phương Quảng Nam và Kon Tum; bảo hộ hiệu quả và phát triển giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia Việt Nam chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm hay của doanh nghiệp. Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong nuôi trồng, chế biến phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh, coi đây là bước đột phá để phát triển; tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến sâm; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết và đầu tư nguồn lực phát triển sâm Ngọc Linh.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý đã đưa ra thông tin chi tiết về Đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; thực trạng và định hướng phát triển tại tỉnh Quảng Nam cũng như tiềm năng và khát vọng phát triển cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum. Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sâm đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra giải pháp bảo vệ, nuôi trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả; đa dạng hóa công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh; các bí quyết để xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch nhờ sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp cũng trao đổi kinh nghiệm về quy trình trồng, sản xuất sâm bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định, bao bì đóng gói, nhãn mác, thương hiệu uy tín, quản lý theo quy chuẩn trong nước và quốc tế.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác vận động thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh Việt Nam. Việc vận động thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh Việt Nam là cơ sở để bảo vệ nguồn giống sâm, phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia trong tương lai. Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt “Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045”, qua đó có cơ chế và dành nguồn lực phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành nhóm ngành kinh tế mang lại giá trị cao của đất nước, đưa sâm Việt ra thế giới.