Ngày 7/4, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và một số đơn vị liên quan về tình hình đầu tư sản xuất, chế biến, định hướng phát triển sâm Ngọc Linh và triển khai Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp tham gia trồng và sản xuất sâm Ngọc Linh. Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh là hơn 1.150 ha với tổng số gần 25 triệu cây, tổng sản lượng ước đạt khoảng 213 tấn sâm.
Trong đó, có 881 ha rừng có trồng sâm Ngọc linh đang cho thu hoạch quả, dự kiến thu khoảng 8,5 triệu hạt mỗi năm và khả năng sản xuất được 6,2 triệu cây/năm. Với nguồn giống hiện có và năng lực sản xuất, tiêu thụ thực tế, hàng năm, toàn tỉnh có khả năng phát triển sâm Ngọc Linh trong khoảng 400-500 ha rừng hiện có.
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum chú trọng xây dựng các dự án, hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm đối với sâm Ngọc Linh. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước như: Rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, nước yến sâm, mật ong sâm SK5; thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 Sói đêm; Nước giải khát dưỡng da NoLiKo của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các sản phẩm khác như trà sâm Ngọc Linh hòa tan, Collagen sâm Ngọc Linh, viên nang mềm sinh lý, cà phê, mật ong, dầu gió làm từ sâm Ngọc Linh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Y Ngọc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến 2045 để các địa phương chủ động triển khai thực hiện. Từ đó, thúc đẩy mở rộng diện tích có sâm Ngọc Linh và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sâm để tham gia vào chuỗi cung toàn cầu. Ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu, nhất là cơ chế tiếp cận vốn vay ưu đãi để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng phát triển dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng.
Về tình hình thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), tỉnh Kon Tum hiện đang triển khai tại 3 huyện là Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plông. Đến nay, đã có 17 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững tham gia Dự án. Hiện nay, tiến độ thực hiện các tiểu dự án đầu tư công của dự án đã cơ bản đạt tiến độ đề ra và tỉnh cam kết sẽ hoàn thành trước ngày 30/6.
Dự kiến giải ngân năm 2022 đạt hơn 37.5 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cho tỉnh được đăng ký tham gia thực hiện Dự án “Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu tỉnh Kon Tum” vay vốn ADB nhằm đạt được mục tiêu tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Kon Tum đối với việc bảo tồn, mở rộng diện tích, phát triển sâm Ngọc Linh. Chính phủ đã phê duyệt 2 chương trình về phát triển công nghiệp dược, dược liệu và sâm Ngọc Linh, sâm Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045.
Vì vậy, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ để thực hiện mục tiêu xây dựng Kon Tum trở thành một trong những trung tâm dược liệu của cả nước, đặc biệt là đầu tàu về phát triển sâm Ngọc Linh. Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để khảo sát, đánh giá thực tế, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh việc phát triển sâm Ngọc Linh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ 16 đã đề ra.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao kết quả đạt được sau 6 năm triển khai của Dự án VnSAT, cho thấy hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững. Còn hơn 3 tháng nữa là Dự án sẽ kết thúc, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nằm trong vùng Dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch; đồng thời, quan tâm duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình, hợp phần mà Dự án đầu tư.