Mở ra không gian hợp tác mới

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vừa có chuyến công du tới một loạt quốc gia thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Là hoạt động đối ngoại mở màn năm 2023, năm Nhật Bản giữ cương vị Chủ tịch G7, chuyến thăm không chỉ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản với các cường quốc kinh tế, mà còn tìm kiếm không gian hợp tác mới cho Hội nghị cấp cao G7, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đến Anh, chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du 5 nước nhóm G7. (Nguồn: NHK)
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đến Anh, chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du 5 nước nhóm G7. (Nguồn: NHK)

Trong chuyến công du kéo dài gần một tuần từ ngày 9 đến 13/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến thăm năm quốc gia thành viên G7, gồm Pháp, Italia, Anh, Canada và Mỹ. Trước khi bắt đầu hành trình, nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ hy vọng, các nước G7 sẽ thể hiện sự đồng thuận với thế giới trong các vấn đề nổi cộm như cuộc xung đột ở Ukraine, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và năng lượng.

Năm 2023 là một năm có ý nghĩa quan trọng với Nhật Bản khi nước này đảm nhận cương vị Chủ tịch G7 và bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Đặc biệt, tiếp quản “ghế nóng” Chủ tịch G7 là một phép thử về sức ảnh hưởng và vai trò dẫn dắt của Nhật Bản trong bối cảnh thế giới đang chao đảo trong vòng xoáy đa khủng hoảng như lạm phát, dịch bệnh, các cuộc xung đột mới, thảm họa khí hậu... Bởi vậy, ưu tiên của Nhật Bản là đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch G7.

Trong thông điệp gửi tới người dân đầu năm mới 2023, Thủ tướng Kishida Fumio từng khẳng định quyết tâm tổ chức thành công Hội nghị cấp cao G7 tại Hiroshima, quê hương của ông với thông điệp mạnh mẽ về “một thế giới không vũ khí hạt nhân”. Ông cũng nhấn mạnh, Nhật Bản đang đối diện với môi trường an ninh khắc nghiệt nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, với mối đe dọa ngày càng tăng về sử dụng vũ khí hạt nhân và sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.

Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực thực hiện các chính sách ngoại giao và quốc phòng tích cực, tăng cường năng lực phòng thủ, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh bảo vệ đất nước và sự an toàn cho người dân. Và chuyến công du năm quốc gia thành viên G7 với nhiều cam kết hợp tác về an ninh, quốc phòng, kinh tế... là một bước đi cụ thể, thiết thực để hướng tới hoàn thành mục tiêu mà ông Kishida đã đề ra.

Một năm dẫn dắt G7 sẽ là cơ hội để quốc gia châu Á này khẳng định bản lĩnh và tầm ảnh hưởng tại diễn đàn gồm các cường quốc hàng đầu thế giới.

Tại các chặng dừng chân của chuyến công tác, Thủ tướng Kishida Fumio và lãnh đạo các nước đã thảo luận về những ưu tiên của Nhật Bản trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7, cũng như triển vọng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như an ninh năng lượng, quốc phòng, thương mại, đầu tư, trong đó nổi bật là hợp tác an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Anh, ông Kishida đã cùng Thủ tướng nước chủ nhà Rishi Sunak (R.Xu-nác) ký thỏa thuận quốc phòng mới mang tên Hiệp định tiếp cận tương hỗ (RAA). Thỏa thuận này được phía Anh nhận định là “hiệp định quốc phòng quan trọng nhất giữa hai nước trong hơn một thế kỷ”, cho phép Anh triển khai lực lượng tại Nhật Bản.

Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) vào ngày 13/1 tại Mỹ là điểm nhấn quan trọng của chuyến công du. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản tới thủ đô Washington của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10/2021.

Chuyến thăm tạo cơ hội để hai nước củng cố sức mạnh của liên minh Nhật-Mỹ, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là sau khi Nhật Bản công bố chiến lược an ninh và quốc phòng mới hồi tháng 12/2022.

Những năm qua, hai quốc gia đồng minh này cũng đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mới đây, trong cuộc đối thoại an ninh 2+2 giữa hai nước ở Washington, Nhật Bản và Mỹ nhất trí mở rộng phạm vi của hiệp ước an ninh sang lĩnh vực không gian.

Đảm nhận vai trò “đầu tàu” G7 vào thời điểm thế giới đang chia rẽ trước hàng loạt thách thức và căng thẳng địa-chính trị tại các khu vực gia tăng là một phép thử đối ngoại lớn đối với Nhật Bản và chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio. Một năm dẫn dắt G7 sẽ là cơ hội để quốc gia châu Á này khẳng định bản lĩnh và tầm ảnh hưởng tại diễn đàn gồm các cường quốc hàng đầu thế giới.