Mô hình thu gom, xử lý rác thải nhựa ở Thanh Hóa

NDO - Sáng 21/11, tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cùng nhà tài trợ tổ chức lễ ra mắt ban chỉ đạo điều hành và đội thu gom rác thải Đại Dương.
0:00 / 0:00
0:00
 Các đại biểu tham gia thu gom rác.
Các đại biểu tham gia thu gom rác.

Hiện việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Việt Nam là 1 trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới, trung bình khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Ở Thanh Hóa, lượng rác thải nhựa có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan môi trường ven biển, nhất là khai thác tiềm năng du lịch. Hưởng ứng chương trình hành động quốc gia, được sự nhất trí, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cùng Công ty nhựa Tương lai xanh lựa chọn, khởi động dự án thu gom, xử lý, tái chế rác thải nhựa Đại Dương tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, ban chỉ đạo điều hành và đội thu gom rác thải Đại Dương được thành lập, ra mắt, thông qua quy chế, phương thức hoạt động. Tại lễ ra mắt, doanh nghiệp hướng dẫn việc phân loại, điểm thu gom, giá mua rác thải nhựa, trao đổi giải pháp tái chế rác, trao tặng trang thiết bị bảo hộ lao động cho các thành viên, đồng hành cùng cán bộ, nhân dân ra quân thu gom rác thải ven bờ biển.

Mô hình thu gom, xử lý rác thải nhựa ở Thanh Hóa ảnh 1

Học sinh ở xã Quảng Nham phân loại, thu gom rác thải cao su.

Nhân dịp này, doanh nghiệp hỗ trợ 250 triệu đồng, khởi công xây dựng ngôi nhà có diện tích xây dựng hơn 60m2 cho gia đình ông Đặng Ngọc Quang, ở thôn Trung xã Quảng Nham; trao tặng 1 tỷ đồng xây dựng điểm trường học ở huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Trước mắt, Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa kỳ vọng nhân rộng mô hình nêu trên ở 6 huyện, thị xã, thành phố duyên hải nhằm thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.