Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả từ mỗi người dân

Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng trong khi tốc độ phát triển của hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, hiệu quả bảo vệ môi trường còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân trong việc thu gom và phân loại rác thải tại nguồn.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền phân loại rác tại Nhà máy Xử lý rác thải Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Ảnh PHƯƠNG LÊ)
Dây chuyền phân loại rác tại Nhà máy Xử lý rác thải Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Ảnh PHƯƠNG LÊ)

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Theo các chuyên gia, với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của TP Hà Nội tăng thêm khoảng 5%.

Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Thực tế nêu trên đang đặt ra vấn đề đáng lo ngại, đó là lượng rác thải của TP Hà Nội ngày càng tăng, việc xử lý rác còn nhiều bất cập, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, các điểm du lịch tại Hà Nội nói riêng và các điểm du lịch trên cả nước nói chung thu hút rất đông du khách gần xa đến hành hương, tham quan, khám phá, “check-in” và chụp ảnh. Thế nhưng, đi kèm với đó là tình trạng một số du khách thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường, thường để lại bọc nylon, chai nhựa, hộp đựng đồ ăn, vỏ lon bia, nước ngọt... dưới tán cây, ghế đá, trên đường, vô tình làm ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch.

Còn trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, nơi này nơi khác có tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định, rác nằm ngay sát lề đường, dưới chân cột điện, miệng cống thoát nước... Phổ biến nhất là hành vi vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng, hình thành điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thậm chí, người thiếu ý thức không bỏ rác vào thùng, mà vứt ngay bên cạnh, mặc kệ rác văng tứ tung. Tại địa bàn dân cư, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày đôi lúc chưa đúng quy định, rác thải không được thu gom, phân loại và xử lý phù hợp.

Ông Hoàng Lâm, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: Công viên hồ Đền Lừ nằm giữa các tuyến phố Đền Lừ và Tân Mai, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) có khoảng không gian khá rộng với những vườn hoa, hàng cây xanh mát, rất lý tưởng cho mọi người đến vui chơi, ngắm cảnh, tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, môi trường của công viên. Trong đó, đáng nói nhất là hành vi vứt rác thải tùy tiện cả trên bờ lẫn xuống lòng hồ. Cư dân khu vực cũng kiến nghị nhưng cứ sau mỗi lần được dọn sạch là rác lại chất thành đống. Chị Huyền Minh, phường Yên Hòa (Cầu Giấy) cho biết: “Gần Trường tiểu học Yên Hòa có bãi rác lộ thiên, sáng nào các cháu đến trường cũng phải hứng chịu ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

Ngay cả khu tập thể nơi tôi sống, nhiều người thản nhiên xả các loại rác thải ra đường. Sự vô ý thức này không những gây mất thẩm mỹ khu vực mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe cộng đồng. Chỉ có phạt thật nặng, xử thật nghiêm thì mới có thể thay đổi được...”. Theo quy định, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ, liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu vực. Quy định là vậy, nhưng phần lớn người dân cho rằng gần như chưa thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt về mảng môi trường này.

Để khắc phục tình trạng xả rác ra môi trường, có rất nhiều chiến dịch liên quan môi trường hoặc được tổ chức lồng ghép để thu gom, xử lý rác thải, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhất là ở các địa bàn đông dân cư. Sau thời gian thí điểm, nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực, phong trào có sức lan tỏa và tiếp tục được nhân rộng.

Đặc biệt với rác thải nhựa, sau các đợt thu gom “Đổi rác lấy quà” nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, tiến tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa; đồng thời tuyên truyền hướng dẫn người dân thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và phòng, chống dịch Covid-19 tăng thêm tính thiết thực trong hành động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, không ít mô hình chỉ còn duy trì về mặt hình thức, không tác động mạnh mẽ, thiếu chiều sâu...

Hay theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2022, người dân không phân loại rác sinh hoạt theo đúng quy định sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển. Nhưng theo quan sát thì nhiều hộ gia đình, chung cư, dãy trọ, người dân vẫn chưa có thói quen thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc giám sát, xử lý hành vi vi phạm, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải. Đưa ra quy định bắt buộc người dân phải phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình...

Nhưng quan trọng hơn cả đó chính là từng người dân phải nâng cao nhận thức, có ý thức giữ gìn vệ sinh ở bất cứ đâu; suy nghĩ và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường ngay từ việc nhỏ trong sinh hoạt, lao động mỗi ngày. Có như vậy mới bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp của chúng ta hiện tại và cho thế hệ mai sau ■