Mô hình “Đại học xanh”

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia tiên tiến, vài năm trở lại đây, mô hình “Đại học xanh” tại Việt Nam đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong tiến trình phát triển bền vững. Nhờ nỗ lực thực hiện mô hình này, không ít cơ sở giáo dục đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã “thay áo mới”, tạo nên diện mạo thân thiện, năng động hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hoạt động phân loại, tái chế rác. (Ảnh: CTV)
Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hoạt động phân loại, tái chế rác. (Ảnh: CTV)

“Đại học xanh-Green Campus” là dự án được phát triển trong chiến lược Đại học đa ngành và bền vững của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030.

Dự án được triển khai theo mô hình “Phòng thí nghiệm sống-Living Lab”. Đây là một hệ sinh thái đổi mới mở được vận hành với định hướng lấy người sử dụng làm trung tâm, tận dụng tối ưu sự kết nối các bên liên quan, với yếu tố cốt lõi là tích hợp nghiên cứu, giáo dục, đổi mới sáng tạo và công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề thực tế từ cuộc sống.

Ở giai đoạn đầu, đại học này thí điểm việc triển khai các biện pháp quản lý rác thải bền vững tại cơ sở Nguyễn Văn Linh, hướng đến lối sống “không rác” cho toàn hệ thống. Mục tiêu đặt ra là 90% rác hữu cơ được xử lý tại chỗ; 95% rác tái chế được thu hồi để chuyển đến cơ sở tái chế; giảm 30% lượng rác nhựa sử dụng một lần và 70% sinh viên, nhân viên nhà trường từng bước thay đổi hành vi trong thực hành lối sống xanh.

Thời điểm đó, chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi về phân loại rác và mô hình 3R (Giảm thiểu-Reduce, Tái sử dụng-Reuse, Tái chế-Recycle) được đại học này tập trung triển khai với rất nhiều hội thảo, triển lãm, cuộc thi, phong trào…

Tháng 7/2023, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chính thức ban hành Quy định thực hành “Đại học xanh-Green Campus”. Những cá nhân có liên quan được khuyến khích thực hiện các nhóm hành động như: Giảm thiểu xả thải; Thực hành phân loại rác thải tại nguồn, tái chế hoặc tái sử dụng các vật liệu thải bỏ. Việc thực hành tiết kiệm tài nguyên, gia tăng sử dụng thang bộ hay tham gia giao thông công cộng cũng được khuyến khích trong quy định này.

Trong đó, “Trạm thực hành xanh tại UEH” là khu vực thực hành phân loại rác trước khi thải bỏ theo quy định. Chỉ tính từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024 đã có bốn tấn rác tái chế đã được nhà trường phân loại và chuyển đến đơn vị thu gom và xử lý tái chế. Gần 50% số viên chức và người học tại đại học này nhận biết được quy định về Đại học xanh và mô hình 3R.

Đại diện nhà trường cho biết: Trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy sống xanh, nâng cao tính hiệu quả của các mô hình, duy trì sự phát triển bền vững toàn diện.

Các hoạt động bảo vệ môi trường, tiến tới mô hình “Đại học xanh” cũng được Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến việc trường quy định ngưng sử dụng hoàn toàn chai nhựa và ống hút nhựa (loại dùng một lần) trong khuôn viên trường từ đầu năm 2019.

Không chỉ yêu cầu toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên nêu gương trong việc bảo vệ môi trường, mỗi kế hoạch, chương trình luôn lấy sinh viên làm trung tâm, tạo nhiều cơ hội để các bạn trẻ trình bày ý tưởng, sự sáng tạo trong lĩnh vực này. Năm 2023, trường lọt Top 101-200 thế giới về hành động vì khí hậu tại bảng xếp hạng Tầm ảnh hưởng của Times Higher Education. Văn hóa sống xanh đã hình thành, tạo nên nhiều thay đổi tích cực.

Trường phối hợp với đối tác tiến hành lắp đặt hai máy thu gom và xử lý vỏ chai, vỏ lon tự động tại cơ sở ở Quận 3 và địa điểm học tập ở huyện Nhà Bè chưa lâu nhưng đã nhanh chóng tạo thêm trào lưu sống xanh mới trong cộng đồng sinh viên.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Giai đoạn đầu, mọi thứ khá khó khăn do phải thay đổi thói quen cố hữu của đại bộ phận giảng viên, công nhân viên và người học. Tuy nhiên, khi các chương trình được truyền thông mạnh mẽ, mọi người thấy được ý nghĩa của mô hình này nên tự nguyện tham gia và lan tỏa các chương trình.

Tháng 5/2019, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chính thức phát động chương trình “Đại học xanh” với ba nội dung chính.

Bước đầu, nhà trường thực hiện các chương trình thúc đẩy quá trình thay đổi nhận thức để thích ứng với lối sống xanh gồm: các chương trình tập huấn, tổ chức các cuộc thi về ý tưởng xanh, giữ gìn cảnh quan và vệ sinh môi trường…

Tiếp đó, trường triển khai các hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường như: phân loại rác tại nguồn theo chương trình của Thành phố Hồ Chí Minh, cải tạo cảnh quan, hạn chế và nói không với chất nhựa dùng một lần, xây dựng không gian học tập và làm việc xanh.

Khi các thói quen bảo vệ môi trường được hình thành, nhà trường đầu tư xây dựng văn hóa sống xanh với các tiêu chí cụ thể. Từ việc đánh giá hoạt động thực tiễn, nhà trường đã xây dựng “Bộ tiêu chuẩn Đại học xanh” với các nội dung thiết thực, hiệu quả hơn.

Sau 5 năm triển khai chương trình “Đại học xanh”, nhận thức của người học, viên chức, người lao động tại trường đã thay đổi tích cực, giảm thiểu số lượng chất thải nhựa, rác thải, cảnh quan xanh mát, sạch đẹp, trong lành hơn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2030, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục triển khai các kế hoạch đẩy mạnh chương trình “Đại học xanh”. Điểm nhấn là việc nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, hoạt động thực tiễn hướng đến sống xanh, hành động xanh.

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các nhiệm vụ sẽ được thực hiện thông qua các hoạt động, sự kiện, chương trình đa dạng, đổi mới để tiếp cận được nhiều đối tượng khác nhau. Nhà trường sẽ thường xuyên thực hiện công tác đánh giá, tổng kết định kỳ nhằm kịp thời rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.