Dự chương trình có Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh; đại diện các tổ chức quốc tế và hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Phát biểu tại lễ mít-tinh, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đang có xu hướng gia tăng.
Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV, nhưng 2 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo.
Đặc biệt, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ.
Năm 2022, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.
Việc lựa chọn chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi Việt Nam muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Bộ trưởng Y tế đề nghị, lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh, thành phố căn cứ trên các hành lang pháp lý đã được ban hành và chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, chủ động xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đầu tư, phân bổ ngân sách bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Ngành y tế tiếp tục độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên các cấp cần tăng cường nâng cao nhận thức cho thanh niên về về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS…
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống HIV/AIDS, ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) châu Á-Thái Bình Dương khẳng định, Việt Nam đã thành công trong đẩy mạnh hơn nữa việc đưa vào thí điểm và triển khai mở rộng các sáng kiến mới lấy con người làm trọng tâm trong phòng, chống HIV/AIDS, trở thành điểm sáng trong áp dụng các sáng kiến mới.
Ông Taoufik Bakkali cũng khẳng định, Liên hợp quốc sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trên con đường tiến tới chấm dứt AIDS để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
Theo số liệu UNAIDS tính đến cuối năm 2021, thế giới hiện có khoảng 38,4 triệu người nhiễm HIV.
Trong năm 2021, toàn thế giới có 1,5 triệu người nhiễm mới HIV và 650.000 người tử vong liên quan đến AIDS. Dịch HIV phân bố nhiều nhất ở châu Phi (khoảng 25,6 triệu người hiện nhiễm HIV).
Xu hướng nhiễm mới HIV trên toàn cầu tiếp tục giảm. Tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong.