Trong thời gian vừa qua, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước.
Quy mô kinh tế đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,06% GDP cả nước) và có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người tăng 8,7% so với năm 2022 (đạt 75,62 triệu đồng/người). Trong đó, một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 22 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so năm 2022. Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải.
Lĩnh vực thương mại đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Vùng cũng hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu...
Các đại biểu khai mạc hội nghị |
Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu đặt ra; kinh tế biển chưa có tính đột phá; hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển.
Ngoài ra, tăng trưởng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc; thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực thi; nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp; hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả; thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, còn nhiều khó khăn...
Tại Hội nghị, các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng. Đồng thời, bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Bộ Công thương cũng trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.
Người dân tìm hiểu, mua sắm sản phẩm tiêu biểu của các địa phương. |
Trong khuôn khổ chương trình, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của 16 địa phương khu vực miền trung - Tây Nguyên cùng một số tỉnh khu vực miền Bắc và miền Nam cũng được tổ chức tại công viên bờ Đông cầu Rồng (quận Sơn Trà).
Hoạt động với sự tham gia trưng bày của hơn 200 nhà cung cấp, hợp tác xã, doanh nghiệp, dự kiến sẽ thu hút hơn 25.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan và giao dịch.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng từ đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.
Khu trưng bày diễn ra từ nay đến ngày 30/6.