Thông tin kinh tế:

Miền quê “kiểu mẫu” ở Nam Định

Những ngày này, một không khí vui mừng, phấn khởi như lan tỏa khắp xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định), sau khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Trường Trung học cơ sở xã Giao Phong đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, và đạt chuẩn “Xanh-sạch-đẹp-an toàn”.
Trường Trung học cơ sở xã Giao Phong đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, và đạt chuẩn “Xanh-sạch-đẹp-an toàn”.

Về với Giao Phong, bước đi trên những con đường ngõ xóm rộng rãi được trải nhựa, trải bê-tông và ngắm nhìn khung cảnh khang trang, sạch đẹp của miền quê ven biển này, mới hiểu vì sao nơi đây trở thành xã đầu tiên trong hơn 200 xã, thị trấn của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Phong, xã có tổng số 2.467 hộ gia đình, với 6.835 nhân khẩu được phân bố trên 11 xóm; Đảng bộ xã có 380 Đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ.

Từ khi phát động, triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã xác định rõ, thống nhất quan điểm đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc.

Nhờ tập trung tuyên truyền, vận động người dân về vai trò chủ thể của chính họ trong phong trào này, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nâng cao năm 2020, toàn xã đồng lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Với tinh thần chính quyền không làm thay người dân, không chạy theo thành tích mà phải làm thực chất, vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, xã xác định tập trung hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Miền quê “kiểu mẫu” ở Nam Định ảnh 1

Một giờ học tại Trường trung học cơ sở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định).

Trong đó, xã chú trọng đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, khuyến khích hoạt động văn hóa cộng đồng. Tất cả mọi công việc chung đều được công khai, tham vấn ý kiến nhân dân trước khi thực hiện, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao và lan tỏa niềm tin, tinh thần tự nguyện, tự giác trong nhân dân.

Nhờ vậy, dù ngân sách còn eo hẹp, Giao Phong vẫn hoàn thành nhiều phần việc khó khi có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên và người dân trong xã đã gương mẫu, tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình xây dựng, hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường giao thông, với giá trị ước tính khoảng 50 tỷ đồng.

Đồng chí Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy cho biết, những cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới của xã Giao Phong sẽ được phổ biến, vận dụng, triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện.

Huyện đã có 17/22 xã, thị trấn đạt nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến trước năm 2030 đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định, từ năm 2021 đến nay có 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỉ lệ hơn 89%.

Trong cơ cấu nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã, nguồn đóng góp, ủng hộ của cộng đồng dân cư để làm đường, trường, trạm tại các xóm khoảng 6 tỷ đồng; nguồn nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi các mô hình sản xuất lên tới 50 tỷ đồng; vốn huy động từ con em xa quê khoảng 5 tỷ đồng...

Để nâng cao thu nhập cho nhân dân, những năm qua, xã đã phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt với quy mô trên 32ha, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 đạt 73,62 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, 11/11 xóm có nhà văn hóa xây dựng kiên cố, sức chứa trên 100 ghế ngồi phục vụ hội họp sinh hoạt cộng đồng, đầy đủ các trang thiết bị để nhân dân hội họp; có sân chơi thể thao, dụng cụ tập thể dục ngoài trời để nhân dân tập luyện. Tất cả các đường dong, ngõ xóm đã có hệ thống hơn 650 cột đèn điện thắp sáng về đêm.

Miền quê “kiểu mẫu” ở Nam Định ảnh 2

Sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa xóm Lâm Phú, đạt chuẩn xóm nông thôn mới thông minh của xã Giao Phong.

Bên cạnh đó, các hộ dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác hữu cơ ngay tại gia đình. Đặc biệt, xã đạt được kết quả nổi bật về lĩnh vực giáo dục, với 3 trường học thuộc các cấp mầm mon, tiểu học và trung học cơ sở đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt chuẩn “Xanh-sạch-đẹp-an toàn”.

Trong phong trào sôi nổi chung của xã Giao Phong, xóm Lâm Phú nổi lên như một điểm sáng trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống.

Hiện nay, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm; nhà văn hoá xóm rộng 500m2 được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ việc học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn của người dân; tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ trên địa bàn đạt tới 80%. Nhiều mặt hàng nông sản của xóm đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua mạng internet, giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Phong Phạm Văn Sơn cho biết: Xã đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% trở lên; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 98% trở lên, 100% số xóm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn...

Kế thừa, phát huy những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Giao Phong đang chung tay nỗ lực cải thiện bộ mặt quê hương, biến nơi đây trở thành vùng quê đáng sống, xứng đáng là đơn vị xã đi đầu của huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định.