Ngày 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, diễn ra Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Báo Nhân Dân xin giới thiệu tham luận của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội thảo.

Trong tiếng Anh, nông nghiệp là “agriculture”. Trong đó, “culture”, ngoài nghĩa “gieo trồng, canh tác”, còn có nghĩa là “văn hóa”. Như cái duyên, tôi vừa đam mê, gắn bó với nông nghiệp, vừa trăn trở về văn hóa. Không phải là nhà văn hóa học, nên khó có thể có cái nhìn chuyên sâu, tôi chỉ xin được chia sẻ một góc nhìn cá nhân, qua trải nghiệm thực tiễn, mang tính chất tích hợp giữa “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”“văn hóa-xã hội”.

Nội dung tham luận này có phần chưa sát với chủ đề của Hội thảo. Tôi chỉ mong muốn góp thêm một góc nhìn về giá trị của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Có những vấn đề có thể tiếp cận bằng thể chế, chính sách và nguồn lực, nhưng cũng có thể có cách tiếp cận bằng nguồn lực xã hội, bằng cách kích hoạt sự thay đổi từ người dân, “Xác định người dân là trung tâm”, “Dựa trên mức độ hài lòng, chất lượng sống của người dân làm thước đo sự thay đổi”. Tôi luôn tâm niệm rằng, trước khi bắt tay thực hiện bất cứ việc gì, hãy chiêm nghiệm về giá trị chiều sâu của việc ấy.

Sau đây, xin nêu một điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Đó là Chương trình Làng Mới - Saemaul Undong của Hàn Quốc, mà chúng ta đã nghiên cứu để triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới. Làng Mới - Saemaul Undong không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn góp phần tạo nên sức bật cho cả đô thị và đất nước Hàn Quốc. Điều đặc biệt là Chương trình đó được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa nhân loại. Vì sao một chương trình xây dựng, đổi mới nông thôn lại chứa đựng giá trị lan tỏa toàn cầu? Đấy chính là nhận thức về văn hóa như “sức mạnh mềm”, “nguồn lực mềm”, thúc giục sự thay đổi một địa phương, một đất nước.

Thưa Quý vị Đại biểu,

Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu“to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần. Người dân nông thôn hớn hở đón chào ngày khánh thành những công trình mới, háo hức trước quang cảnh mới, hòa vào nhịp sống mới. Đi xa lâu ngày trở về, bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà hình như sao thấy lạ.

Nông thôn mới tại Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa

Nông thôn mới tại Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa

Phải chăng nông thôn đây đó ít nhiều phai nhạt bản sắc? Nhìn nơi này nơi kia, thấy hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức, vào nếp nghĩ, đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách người làng quê. Bên cạnh những xã nông thôn mới tạo dựng được “cốt” mới, nhưng vẫn giữ được “hồn” cũ; nhiều nơi được hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn vì những khối bê-tông“đồng phục hóa”. Nhiều công trình hoàng tráng lạc lõng với khung cảnh làng quê. Những hàng cây xanh mát vệ đường, lũy tre làng ngày nào, bị thay thế một cách khiên cưỡng, làm mất đi hình ảnh nông thôn sinh thái.

Kiến trúc truyền thống, một phần văn hóa vật thể, dựa vào phong thổ và văn hóa bản địa. Mỗi địa phương có điều kiện thiên nhiên, địa lý riêng biệt. Mỗi dân tộc anh em trầm tích những bản sắc văn hóa độc đáo. Tất cả tạo ra sự phong phú, đa dạng; tuy nhiên, thật trăn trở trước sự “sao chép”, “vay mượn” thiếu chọn lọc. Nhà mái bằng, phố hình ống, đường làng, hàng rào bê-tông hóa, vắng bóng những hàng cây xanh, mảng xanh. Đường hóa phố, phố trong làng, thiếu hài hòa, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau. “Hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” dần chỉ còn trong những câu chuyện kể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua: “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong”.

Nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc. Nông thôn là không gian mở, con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với môi trường thiên nhiên. Những con đường làng quanh co, rộng thoáng, "cây chen lá, đá chen hoa”. Những mương nước trong veo, những tường rào gỗ mộc mạc phủ mảng dây leo. Ao làng vừa lưu giữ truyền dấu tích một thời ngày xưa, vừa cân bằng nhiệt độ, không khí, môi trường sống cũng dễ chịu, trong lành hơn. Con người hạnh phúc khi sinh hoạt và lao động trong không gian tràn đầy cảm xúc, với những hình ảnh quen thuộc như thế.

Quá trình hình thành nên làng xã nhờ vào tính cố kết cộng đồng, giúp giữ xóm giữ làng trước thiên tai, địch họa. Khi con người mưu cầu cuộc sống vật chất tốt hơn, thì không tránh khỏi xung đột về lợi ích, tính cố kết cộng đồng dần mất đi. Khi ấy, thay vì hợp tác với nhau, thì “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”, sự so đo, đố kỵ sẽ làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm. Con người luôn tồn tại hai trạng thái cảm xúc: tích cựctiêu cực. Văn hóa giúp cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, hạn chế cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực giúp tạo ra xã hội nông thôn hài hòa.

Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa. Văn hóa bao gồm vật thể và phi vật thể. Cây đa, bến nước, sân đình vừa có giá trị hữu hình, vừa có giá trị vô hình. Văn hóa vật thể như kiến trúc nhà ở dân gian, trang phục dân tộc, đền chùa, miếu mạo; văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng dân gian, âm nhạc truyền thống,… Tất cả đều tạo ra cảm xúc cho người làng. Người làng là chủ thể tạo lập làng, hình thành văn hóa làng, phát triển kinh tế làng. Người làng kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng. “Lệ làng”, những quy tắc ứng xử, không phải để vượt lên “Phép nước”, mà giúp cho pháp luật được tiếp nhận một cách tự nguyện. Về mặt nào đó, “lệ làng” cũng là không gian văn hóa đặc sắc ở nông thôn Việt Nam.

Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển. Tôi rất ấn tượng câu khẩu hiệu của một đất nước thuộc nhóm đầu thế giới về kinh tế: “Nông nghiệp là sinh mạng. Nông thôn là tương lai”.

Theo đó, việc giữ gìn và phát huy các giá trị nông thôn, hướng đến hai mục tiêu chính. Thứ nhất, để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại. Thứ hai, để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: trải nghiệm cách làm nông, cuộc sống nhà nông, môi trường cảnh quan, làng nghề, văn hóa bản địa.

Hình ảnh làng quê thôn dân dã, giàu bản sắc, đậm chất văn hóa, tràn đầy sức sống, cộng đồng hài hòa thân thiện do chính người làng tạo lập. Hình ảnh ấy sẽ là sức hút người xa làng quay trở về nhiều hơn, khách phương xa tìm đến trải nghiệm khám phát nét tinh hoa. Sản phẩm từ làng sẽ được tiêu thụ, ưa chuộng nhiều hơn. Thu nhập và chất lượng sống người làng sẽ được nâng thêm. Hình ảnh làng quê cũng ẩn chứa văn hóa nông thôn, tạo ra bản sắc riêng cho nông thôn. Đó chính là “tài nguyên mềm”, “tri thức địa phương” phục vụ phát triển.

Theo kinh tế học hiện đại, phát triển không chỉ dựa vào nguồn vốn kinh tế, tài nguyên tự nhiên, mà còn có cả các nguồn vốn phi kinh tế: “vốn văn hóa”“vốn xã hội”. Cách tiếp cận như trên rộng hơn và sâu hơn cách tiếp cận hẹp, đơn giản trước đây. Các nguồn vốn phi kinh tế nếu được nhìn nhận đúng, đủ và biết cách phát huy sẽ chuyển hoá thành vốn kinh tế. Tư duy tích hợp trong Nghị quyết 19-NQ/TW là hướng đến đa tầng giá trị như vậy.

Nông thôn cần được xem là một miền di sản. Giá trị nông thôn được bảo tồn một di sản văn hóa, được quan tâm ở cấp độ quốc gia. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hòa, làng hạnh phúc. Đó chính là các yếu tố để nông thôn trở thành di sản.

Những nghi lễ tính ngưỡng, tâm linh dân gian lành mạnh, nếu biết phát huy, sẽ tạo ra dòng chảy tâm thức trong cư dân nông thôn. Lễ hội tịch điền, thờ phụng Thần nông, các vị Thần hoàng làng, tưởng nhớ tổ làng nghề,… là những nét văn hóa đậm chất nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, giúp con người sống tử tế hơn, an bình hơn, văn minh hơn. Khi ấy, cư dân nông thôn sống tử tế, có trách nhiệm với người khác, với môi trường thiên nhiên. Khi ấy, tinh thần hợp tác của cư dân nông thôn sẽ được thúc đẩy một cách tự nguyện.

Thiết chế cộng đồng đã hình thành từ khi lập làng. Đình làng ngoài thờ Thần hoàng làng, còn là không gian để người dân đến luận bàn chuyện nhà, chuyện nước. Khi “lấy người dân làm trung tâm”, cần xây dựng không gian sinh hoạt chung cho cư dân nông thôn. Đó là nơi trưng bày giới thiệu văn hóa vật thể và phi vật thể, lịch sử quá trình hình thành làng xã, phòng đọc sách, nông cụ truyền thống, sản phẩm làng nghề,… Gần đây, nhiều nơi hình thành các không gian sinh hoạt cộng đồng như Hội quán, Ngôi nhà Trí tuệ, Nông hội,… cũng với chức năng tương tự. Đây là ngôi nhà chung để người làng lui tới sinh hoạt văn hóa, học tập, giao lưu. Tính cộng đồng từ đây, tri thức hóa người làng từ đây, một cộng đồng cư dân làng hài hòa cũng được tạo lập từ đây.

Nhà văn chuyên viết về nông thôn Nguyễn Huy Thiệp từng tự sự: “Mẹ tôi là nông dân, và tôi sinh ra ở nông thôn”. Ai trong chúng ta không yêu làng quê của mình. Yêu thương là vậy, nhưng rồi bỗng một ngày nơi ấy chỉ còn trong khắc khoải, trong tâm niệm, trong mơ hồ. Bôn ba chốn thị thành, hít thở không khí tất bật chốn thành thị, hình ảnh làng quê chỉ còn mờ ảo như những cuộn khói mùa đốt đồng. Rồi cũng đôi khi trở về nơi mình ra đi như một nghĩa vụ, như một cuộc du ngoạn, về rồi vội vã rời đi. Vội vã có khi vì công việc, mà cũng có khi vì làng quê không còn cảm xúc thân thuộc, quyến luyến như ngày nào. Câu thơ đầy cảm xúc “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”, hồn đất được trầm tích, kết tinh từ văn hóa làng xã qua nghìn năm.

Xây dựng nông thôn mới đâu chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Xây dựng nông thôn mới đâu chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Cuộc sống, ngoài cái ăn cái mặc, nhà cửa, còn cần đến cảm xúc, cảm xúc tạo ra niềm hạnh phúc. Chính hạnh phúc mới là đích đến của mỗi con người. Nông thôn là để phục vụ con người và con người cùng nhau tạo ra nông thôn theo cách riêng, phù hợp với mình. Người làng cùng kiến tạo, cùng quản lý, cùng thụ hưởng thành quả của mình. Khi ấy, nông thôn sẽ thực sự là nơi đáng sống, nơi đáng trở về, nơi đáng tìm đến. Mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống.

Khi và chỉ khi người dân được học, hiểu và cảm thụ được, thì mới tự thân, tự tin giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Khi và chỉ khi văn hóa len lỏi sâu rộng vào từng gia đình, ngõ xóm, thì những danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa” mới đi vào thực chất và biến thành nguồn lực, nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi và chỉ khi những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là của người cao tuổi, của ông bà tổ tiên, mà được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế vận động của thời đại, văn hóa mới mãi trường tồn.

Tựu trung lại, tôi xin đề xuất với Hội thảo những kiến nghị sau đây:

Một là, cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”. Chương trình nhằm cụ thể hóa Luật Di sản văn hóa, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021. Chương trình huy động sức mạnh, nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc, tự tin đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại.

Hai là, cần có những giáo trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội. Cần chú trọng nhóm đối tượng là học sinh từ những bậc học đầu tiên, đó chính là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục văn hóa dân tộc. Chúng ta nên dũng cảm, thẳng thắn đối mặt với những hiện tượng báo động trong xã hội gần đây như bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xung đột đường phố. Tất cả đều là lăng kính có thể nhìn vào để giải mã các hiện tượng văn hóa. Đã có những đứt gãy văn hóa nông thôn trước sự du nhập văn hóa thiếu chọn lọc. Một lỗ thủng nhỏ cũng có thể làm đắm con tàu to.

Ba là, giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn là vấn đề nhiều quốc gia gặp phải trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam không là ngoại lệ. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa nông thôn, cần đến tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Văn hóa không thể áp đặt một cách khiên cưỡng, khi áp đặt sẽ gặp thất bại. Cần có những tiêu chí về văn hóa nông thôn thực chất có thể đo lường được, tránh bệnh thành tích trong bình xét các danh hiệu văn hóa. Cần trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

Thay lời kết cho bài tham luận này, một lần nữa tôi xin trích dẫn chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”. Như vậy, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa không đơn giản là thực hiện tiêu chí về văn hóa, mà có ý nghĩa sâu sắc đến sự phát triển bền vững cho đất nước. Chúng ta cùng nhau hành động, đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán “giá như”!

Lê Minh Hoan,
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn