Trứng chim hóa thạch dài 9cm và rộng 5cm, được phát hiện trong quá trình xây dựng sân bay quốc tế Felipe Ángeles (AIFA) tại Santa Lucía, bang Mexico. Quả trứng mới được tìm thấy nằm ở độ sâu khoảng 2m, được bao phủ bởi các lớp khoáng chất đặc trưng của vùng nước nông và mặn – địa hình yêu thích của loài chim này.
Dựa vào những dấu tích khác được tìm thấy, các chuyên gia của Viện Nhân chủng học và Lịch sử quốc gia Mexico (INAH) cho biết, nhiều khả năng trứng chim hồng hạc tồn tại từ 8.000-33.000 năm trước, tương ứng với thế Pleistocene (còn gọi là Canh Tân) và Holocene (Toàn Tân), vào thời điểm voi ma mút còn chưa tuyệt chủng. Thời kỳ này có điều kiện thời tiết ấm và ẩm hơn so với ngày nay.
Trứng chim hóa thạch được bảo toàn gần như hoàn chỉnh, giúp cho phát hiện lần này càng có nhiều giá trị nghiên cứu hơn. 5 quả trứng chim hồng hạc hóa thạch trước đó được tìm thấy ở Tây Ban Nha, tương ứng với thế Miocen (Trung Tân).
“Chúng tôi chưa thể kết luận điều gì khi phát hiện các bộ xương hồng hạc, bởi vì đó có thể là do loài chim này đang trong quá trình di cư sang vùng đất khác. Việc tìm thấy trứng chim giúp khẳng định đây là khu vực mà loài hồng hạc từng sinh sống trong thời tiền sử”, Alberto Cruz, nhà cổ sinh vật học của INAH cho biết.
Theo dữ liệu hóa thạch của Mexico, xương chim hồng hạc trước đây chỉ được tìm thấy ở khu vực trung tâm của quốc gia này, gồm một số hóa thạch kỷ Pleistocene tại Tocuila, Tepexpan và Chimalhuacán (gần Santa Lucía), và ở bang Jalisco. Bộ xương lâu đời nhất, giữa thế Pliocene (Thượng Tân) và thế Pleistocene, được tìm thấy là ở Pie de Vaca, thành phố Puebla.
Santa Lucía là một lãnh thổ cổ sinh vật học đã được công nhận sau khi phát hiện hài cốt của hàng trăm con voi ma mút. Chính phủ Mexico cũng đã xây dựng một Bảo tàng voi ma mút trong sân bay quốc tế Felipe Ángeles.