Argentina phát hiện hóa thạch loài khủng long mới thuộc họ ăn thịt

Qua phân tích mẫu hóa thạch, các nhà khoa học xác định đây là một loài khủng long hai chân chuyên ăn thịt động vật ăn cỏ. Nó có chiều dài ước tính khoảng 4m, chiều cao gần 2m.
0:00 / 0:00
0:00
(Nguồn: paleontology.fandom.com)
(Nguồn: paleontology.fandom.com)

Ngày 8/9, Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet) thông báo các nhà khoa học nước này vừa phát hiện hóa thạch của một loài mới thuộc họ khủng long ăn thịt Abelisaurid tại một địa điểm khảo cổ gần thành phố Plaza Huincul thuộc tỉnh Neuquén, miền Nam Argentina.

Hóa thạch này được đặt tên là “Elemgasem nubilus.” Elemgasem bắt nguồn từ tên gọi của một vị thần trong thần thoại của người thổ dân Nam Mỹ Tehuelche, trong khi nubilus trong tiếng Latinh có nghĩa là “những ngày nhiều mây mù.”

Theo Conicet, sương mù rất hiếm gặp tại khu vực khảo cổ trên, song hiện tượng thời tiết này đã kéo dài đến vài ngày trong quá trình các nhà khoa học phát hiện ra hóa thạch của khủng long Elemgasem nubilus .

Qua phân tích mẫu hóa thạch, các nhà khoa học xác định đây là một loài khủng long hai chân chuyên ăn thịt động vật ăn cỏ. Nó có chiều dài ước tính khoảng 4m, chiều cao gần 2m.

Elemgasem nubilus thuộc họ khủng long ăn thịt bao gồm một số chi đã được phát hiện trước đây như Patagonykus, Megaraptor, Neuquenraptor và Unenlagia.

Hóa thạch của tất cả các chi khủng long trên đều được phát hiện tại một khu vực khảo cổ nằm cách thủ đô Buenos Aires khoảng 1.250km về phía Tây Nam.

Họ khủng long này thống trị hệ động vật trong kỷ Phấn trắng muộn (từ 100 đến 66 triệu năm trước đây) ở siêu lục địa Gondwana (bao gồm châu Nam Cực, Nam Mỹ, châu Phi, Madagascar, Ấn Độ, bán đảo Arab, Australia - New Guinea và New Zealand ngày nay).

Trưởng nhóm khoa học trên, nhà cổ sinh vật học Mattia A. Baiano nhấn mạnh phát hiện mới nói trên có ý nghĩa quan trọng cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về các loài sinh vật đã sinh sống cách đây 90 triệu năm.