Tính đến hết ngày 25/8, toàn bộ máy TBM "Thần tốc" bao gồm đầu cắt và dàn máy phụ trợ đã nằm trong hầm, tại độ sâu 17,8m.
TBM đã đào được khoảng 100m, lắp được 7 đốt vỏ hầm tạm và 58 đốt vỏ hầm vĩnh cửu.
Sau gần 1 tháng thực hiện quá trình đào hầm, dự án gặp một số khó khăn do TBM khoan trong lớp sét bó cứng, nên phải giảm tốc độ.
Máy đào hầm TBM của dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đang tiến hành đào hầm theo hướng từ ga S9 (Kim Mã) đến ga S10 (Cát LInh). |
Sau khi điều chỉnh tỷ lệ chất điều hòa đất (là chất phun ra phía trước đầu TBM có tác dụng làm lớp địa chất mềm hơn, giúp đầu cắt của TBM dễ cắt lớp đất này hơn) thì tốc độ đào của TBM đã trở về bình thường là ~35-40mm/phút.
Khoan đến đâu, dự án tiến hành thi công lắp vỏ hầm đến đấy.
Với cánh tay robot hiện đại, thời gian lắp vỏ hầm sẽ khoảng 30 đến 35 phút cho một đốt hầm gồm 6 miếng.
Bắt đầu khoan hầm đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội
Trong giai đoạn đầu, 200m đầu tiên là giai đoạn khoan khởi tạo, việc vận hành máy TBM sẽ cố gắng tối ưu hóa các bước để có thể rút ngắn tiến độ cho các đoạn sau.
Hiện tại, trên công trường dự án các kỹ sư đến từ Việt Nam, Italia, Ấn Độ, Ecuador, Colombia và Trung Quốc đang làm việc 24/24giờ.
Tổng số kỹ sư và công nhân là hơn 150 người thực hiện những công tác chính như vận hành máy TBM, vận hành cánh tay robot lắp vỏ hầm, thay đầu cắt… Mỗi ca làm việc bố trí từ 15 đến 17 kỹ sư, công nhân làm việc.
Dự kiến, sau khi máy TBM thứ nhất "Thần tốc" đào được 240m, máy TBM thứ 2 mang tên "Táo bạo" sẽ bắt đầu vận hành.
Cả hai máy sẽ hoạt động song song và mất khoảng 16 tháng để hoàn thành toàn bộ 4km đường hầm từ ga S9 (Kim Mã) đến ga S12 (Ga Hà Nội).
Việc thi công khoan hầm sẽ được tiến hành với sự cẩn trọng và giám sát nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cho các công trình hiện hữu và bảo đảm chất lượng cho công trình đang thi công.
Dự kiến, đoạn tuyến đi ngầm sẽ hoàn thành vào năm 2027, sau đó, toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ được đưa vào vận hành.