Khoản 8, Điều 21 Luật Thủ đô 2024 đã nêu rõ, thành phố Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn.
Cụ thể hóa nội dung này, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa. Theo dự thảo Nghị quyết, khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy du lịch và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Khu phát triển thương mại và văn hóa phải đáp ứng các yêu cầu về không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, môi trường kinh doanh và đặc biệt là khả năng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội.
Khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ là nơi tổ chức sự kiện, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa truyền thống; bảo tàng, nhà truyền thống, không gian trưng bày nghệ thuật; gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, công trình văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị, cảnh quan tiêu biểu, phong tục, tập quán tiêu biểu; hệ thống cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh phục vụ người dân địa phương và du khách gắn với đặc điểm văn hóa địa phương; hội chợ, triển lãm thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm từ các ngành, nghề truyền thống và đặc sản địa phương; thu hút khách du lịch...
So với trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa có nhiều khác biệt. Mô hình này được xây dựng trên cơ sở sự thống nhất hợp tác của cộng đồng là những tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh trong cùng một khu vực. Do đó, cơ cấu tổ chức quản lý của khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ gồm Hội nghị cộng đồng và một Hội đồng quản lý.
Hội đồng quản lý sẽ chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa. Mô hình này đặc biệt phù hợp khi xây dựng, phát triển trên nền tảng làng nghề, phố nghề - những không gian mà cộng đồng sẻ chia cùng một giá trị văn hóa, giá trị di sản nghề truyền thống và cùng sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng nhất định.
Trong nội đô Hà Nội có hàng chục phố nghề, thành phố có 1.350 làng nghề, với nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, thu hút hàng triệu lao động nên mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng. Hà Nội đã có những tiền đề để triển khai mô hình này, thí dụ như không gian đi bộ tại khu vực phố cổ Hà Nội; không gian đi bộ đảo Ngọc - Ngũ Xã...
Do tính chất mới mẻ, cơ cấu tổ chức cũng khác biệt cho nên cần sự thảo luận, góp ý từ các chuyên gia cũng như tiếng nói từ chính cộng đồng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội chia sẻ, việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa là tốt, tuy nhiên, cần bảo đảm sự phát triển hài hòa. Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ về văn hóa kinh doanh, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường. Chính quyền phải siết chặt quản lý, đồng thời các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng, tránh thương mại hóa quá mức dẫn đến mất đi bản sắc vốn có. Những quy định này sẽ giúp nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp và bảo đảm sự phát triển bền vững của khu phát triển thương mại và văn hóa.
Từ góc độ làng nghề, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, đồng thời là nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Hà Thị Vinh cho biết: "Bát Tràng có thể phát triển thương mại và du lịch mạnh mẽ hơn nữa nếu khai thác không gian cảng sông du lịch. Khu cảng sông du lịch tại Bát Tràng dự kiến là nơi tổ chức các hoạt động triển lãm, các sự kiện giao lưu, giới thiệu văn hóa làng nghề gốm Bát Tràng với các làng nghề, làng nghề gốm trong nước và nước ngoài. Song, khu vực này cần phải được đầu tư, cải tạo hạ tầng. Thành phố cần cho phép đầu tư dài hạn, kinh phí do đóng góp của cộng đồng dân cư, hướng tới hình thành "tuyến phố" dạo bộ trên sông khi kết nối điểm du lịch của Kim Đức. Về thuế, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ như miễn thuế trong 8 năm đầu, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo... Những điều này sẽ khích lệ cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp tham gia mô hình".
Sau khi rà soát, quận Hoàn Kiếm dự kiến có 10 khu vực có tiềm năng để hình thành khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn, thí dụ như: Khu phố ẩm thực Tống Duy Tân-ngõ Hàng Bông, khu phố Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến-Đào Duy Từ, khu phố Tạm Thương-Yên Thái, khu vực chợ Đồng Xuân-Bắc Qua, khu phố Hàng Mã-Hàng Lược, khu phố Nhà Thờ-Ấu Triệu-Lý Quốc Sư...
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất: "Việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa cần quy định rõ về những khu vực ưu tiên phát triển, các tiêu chí lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa; đồng thời, làm rõ cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư trong việc đầu tư, quản lý vận hành các công trình hạ tầng, công trình mỹ thuật, công trình biểu tượng tại các khu này".
------------------------
(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22/4/2025.