Năm 2023, thực hiện dự án liên kết sản xuất và phát triển nông nghiệp gắn với tiêu thụ cây khoai tây (thuộc Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) huyện Chợ Mới triển khai trồng cây khoai tây vụ đông.
Toàn huyện có 222 hộ đăng ký tham gia với diện tích hơn 40ha, kinh phí thực hiện dự án hơn 1,7 tỷ đồng.
Dự án do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhật Minh 32 chủ trì thực hiện liên kết.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hỗ trợ giống khoai tây Atlantic nhập khẩu để người dân 4 xã của huyện Chợ Mới trồng. Tuy nhiên, khi người dân đã làm đất chuẩn bị trồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhật Minh 32 bất ngờ thông báo không có giống để cung cấp cho bà con.
Lý do được công ty đưa ra là do các đơn vị đối tác không nhập được giống khoai tây Atlantic (khoai tây trắng). Công ty đề xuất với chủ đầu tư thay đổi sang giống khoai tây ăn tươi (khoai tây vàng) để tiếp tục thực hiện. Nhưng đề xuất này không được chấp thuận do không phù hợp với các quy định của dự án.
Dự án trồng khoai tây vụ đông đột ngột không thực hiện, hàng trăm hộ dân ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đã làm đất đành bỏ không, gây bức xúc.
Chị Nông Thị Tưng, thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ có gần 2.000m2 đất ruộng. Tháng 11/2023, gia đình chị và nhiều hộ dân ở đây đã thuê cày, bừa làm đất, lên luống trồng cây khoai tây theo dự án triển khai trên địa bàn.
Thế nhưng, sau nhiều ngày chờ đợi, toàn bộ diện tích đất ở đây đã không có giống để trồng. Tiếc công sức, tiền của bỏ ra làm đất, chị Tưng tự bỏ tiền mua giống khoai tây về trồng, nhưng lượng giống cũng chỉ đủ một nửa diện tích, số còn lại phải bỏ không.
Theo chị Tưng, gia đình cứ chờ giống để thực hiện, phân bón đã chuẩn bị rồi, nhưng đến bây giờ vẫn chưa nhận được giống nên rất thất vọng. Những năm trước trồng cây vụ đông cho hiệu quả cao nhưng năm nay thất thu.
Tiếc công làm đất nên nhiều hộ dân ở thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ tự bỏ tiền mua giống khoai tây về trồng dù đã quá thời vụ. (Ảnh: NGỌC TÚ). |
Tình cảnh của chị Tưng cũng là thực trạng chung đang diễn ra ở các xã Cao Kỳ, Thanh Vận, Thanh Thịnh, Nông Hạ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Kỳ Hoàng Văn Luận, cuối tháng 11/2023, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhật Minh 32 mới có công văn về việc dừng thực hiện dự án. Do đã quá khung thời vụ, bà con trong xã không kịp chuyển đổi sang trồng loại cây khác, khiến một phần đất đai bỏ không, gây bức xúc trong nhân dân.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhật Minh 32 viện dẫn do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài trước đó, nên một số diện tích khoai tây các tỉnh miền bắc được trồng vào thời điểm cuối tháng 9 đến cuối tháng 10/2023 bị chết làm khan hiếm nguồn cung ứng giống.
Các giống còn lại trên thị trường là giống không có xuất xứ nguồn gốc hoặc giống chưa được cấp phép lưu hành sản xuất, nên gây khó khăn trong quá trình thẩm định giá và không đúng quy định của pháp luật. Do đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhật Minh 32 không có giống đủ tiêu chuẩn, chất lượng để cung cấp thực hiện dự án.
Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Kạn Hà Thị Liễu, người dân các xã thực hiện dự án cũng đã có nhiều ý kiến, Sở và chính quyền địa phương cũng đã đến tận nơi giải thích với bà con về nguyên nhân không thực hiện dự án.
Đối với số kinh phí dự kiến còn dư chưa thực hiện, sau khi chuyển nguồn sang năm 2024, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng phương án phân bổ vốn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Sự việc này cho thấy, tỉnh Bắc Kạn cần kỹ lưỡng hơn trong việc thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia có hỗ trợ về cây, con giống cho người dân.
Nhất là, tỉnh cần khảo sát kỹ khả năng triển khai trên thực tế cũng như đánh giá, lường trước được hiệu quả sau đầu tư; tránh để tái diễn tình trạng nêu trên, khiến người dân mất tin tưởng, từ đó, ảnh hưởng tới việc giải ngân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.