Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc đã xây dựng 10 văn bản quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia.
11/14 tỉnh đã ban hành một số văn bản quy định cơ chế, chính sách nhưng chưa đầy đủ. Đối với nội dung quy định mức hỗ trợ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất mới chỉ có 3/14 tỉnh đã hoàn thành.
Giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 44.184 tỷ đồng cho 14 tỉnh để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm 44,18% nguồn lực thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước.
Tới ngày 31/8/2022, các tỉnh đã hoàn tất phân bổ, giao kế hoạch trung hạn thực hiện 3 chương trình.
Lũy kế thanh toán vốn Trung ương đầu tư phát triển từ đầu năm tới 31/12/2022 của các tỉnh được hơn 4.575 tỷ đồng, đạt hơn 40% kế hoạch, cao hơn 2,81% so với trung bình cả nước.
Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các tỉnh trong khu vực đã tập trung phản ánh, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; nêu những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành.
Đó là: Các bộ, ngành vẫn chưa ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể; một số nội dung quy định chưa thống nhất; một số quy định hoặc hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số thủ tục, trình tự khó triển khai, như: Việc thẩm định dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ở cấp tỉnh làm tăng thời gian phê duyệt; việc xây dựng danh mục dự án đặc thù cần xin ý kiến bộ, ngành Trung ương; chưa thông báo vốn sự nghiệp giai đoạn khiến địa phương không thể triển khai danh mục dự án theo chuỗi liên kết có thời gian thực hiện từ 2-3 năm.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khảo sát thực tế tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). |
Một số bộ, ngành chưa ban hành hướng dẫn quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ; quy định về quản lý, vận hành công trình; quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình; quy định về chính sách tín dụng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao chất lượng hội nghị. Hội nghị đã ghi nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương, bộ, ngành Trung ương.
Đồng chí biểu dương 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc đã giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 cao hơn bình quân chung của cả nước. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm vào cuộc và hiệu quả cao trong thực hiện.
Đồng chí ghi nhận các nhóm ý kiến nêu tại hội nghị, gồm: Việc các bộ, ngành Trung ương còn “nợ” một số văn bản quy định, hướng dẫn, vẫn còn sự chồng chéo, một số văn bản còn thiếu hợp lý khó thực hiện trên thực tiễn; việc đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí của các địa phương; đề nghị phân cấp điều hành, nhất là đối với quản lý, sử dụng đất rừng; giảm rắc rối trong thủ tục hành chính; xin chuyển nguồn vốn các chương trình.
Đồng chí đề nghị, trong quý I năm 2023, các bộ, ngành Trung ương phải cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản còn “nợ”; các cơ quan chủ trì chủ động phối hợp giải quyết tình trạng chồng chéo giữa các văn bản; các địa phương cũng phải phối hợp, hoàn thành ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền.
Các địa phương phải tránh đầu tư dàn trải, sớm rà soát danh mục để điều chỉnh đầu tư theo hướng tập trung; hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho các địa phương thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện; trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các tỉnh với nhau.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu văn bản cho Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Trước đó, sáng 13/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).