Đề xuất phân cấp đến cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết từng dự án thành phần
Sáng 16/1, tham gia ý kiến tại phiên họp Tổ 8 của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên khẳng định, kết quả giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia là cuộc giám sát được các địa phương và cử tri rất quan tâm.
Kết quả giám sát cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các địa phương và đã có nhiều giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, với mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả của các chương trình, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân vùng khó khăn.
Đại biểu Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời sửa đổi, bổ sung 11 văn bản quan trọng, gồm Nghị định 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều thông tư hướng dẫn khác, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngay khi có báo cáo kết quả giám sát, ngày 16/10/2023, Chính phủ đã chủ động xây dựng Tờ trình số 557/TTr-CP đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để tổ chức thực hiện các chương trình.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã ban hành nghị quyết giám sát với nhiều nội dung quan trọng, cho phép được kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn và giao Chính phủ trình xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp này, đại biểu Luyến nhấn mạnh, 8 cơ chế, chính sách đặc thù như dự thảo đã đề xuất đều xuất phát từ thực tiễn, đề nghị của các địa phương, các đại biểu Quốc hội.
Làm rõ thêm nội dung của các cơ chế, chính sách đặc thù này, nữ đại biểu góp ý, tại điểm c, khoản 1, Điều 4 dự thảo nghị quyết quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ 8. (Ảnh: DUY LINH) |
Đại biểu nêu băn khoăn trường hợp cần thiết là trường hợp nào, khi nào là cần thiết và khi nào là không cần thiết. Từ đó, đại biểu đề nghị phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần, vì việc điều chỉnh các dự án thành phần thường xuyên, nếu chờ Hội đồng nhân dân tỉnh họp thì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.
Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 4 về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, điểm b quy định trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Để thuận lợi, đại biểu tỉnh Điện Biên đề nghị quy định: Nếu quy định do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành có vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành Quyết định quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để áp dụng cho phù hợp và đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh bãi bỏ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Đề xuất các chính sách đặc thù vượt thẩm quyền thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Theo đại biểu, như vậy vẫn bảo đảm phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định về trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án phát triển sản xuất, và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng không cần thiết phải sửa đổi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và rồi lại báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, khiến lại phát sinh thêm một cơ chế đặc thù nữa.
Việc Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định mới sẽ thuận lợi và nhanh hơn việc ban hành quyết định sửa đổi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, do việc này chưa từng có tiền lệ, sẽ dễ gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Tránh tình trạng nơi cần lại thiếu vốn, nơi không cần lại thừa vốn
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn việc giao cho cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện thực hiện thí điểm chưa bảo đảm tính toàn diện.
“Chính phủ cần quy định chi tiết các tiêu chí lựa chọn, cấp tỉnh căn cứ vào đó để lựa chọn cấp huyện thực hiện thí điểm sẽ bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ”, đại biểu Trần Anh Tuấn nói.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Anh Tuấn, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu không thực hiện phân cấp ngay trong giai đoạn này thì việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chí chung của Chính phủ, đại biểu cũng đề nghị cấp tỉnh cần căn cứ trên đặc thù địa phương để lựa chọn cấp huyện thực hiện thí điểm.
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu. |
Góp ý về nội dung phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhận thấy, nếu điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước từ các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác được điều chỉnh trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia sẽ hạn chế hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Thực tế giám sát chuyên đề về các các chương trình mục tiêu quốc gia của Quốc hội vừa qua có rất nhiều dự án, tiểu dự án thành phần trùng lặp về địa bàn, đối tượng, nhỏ lẻ, manh mún, nhất là đối với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hơn nữa, ở địa bàn miền núi, những nơi khó khăn nhất, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đa số đều đồng thời triển khai cùng một lúc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Do vậy, nếu điều chỉnh trong từng chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ không thực hiện lồng ghép giữa các chương trình.
Đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần tạo niềm tin trong nhân dân
Với các lý do nêu trên, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị, cần nghiên cứu giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phân bổ, điều chỉnh cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Nếu dự án thành phần của 1 chương trình mục tiêu quốc gia này không còn đối tượng hỗ trợ, không sử dụng hết nguồn lực thì nguồn lực của dự án đó sẽ được chuyển cho thực hiện dự án của chương trình mục tiêu quốc gia khác, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
Theo đại biểu, thực hiện theo phương án này cũng có thể giúp ưu tiên đầu tư cho nơi cần thiết, cấp thiết trước, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư.
Điều này sẽ giúp tránh xảy ra trường hợp dù không cần thiết nhưng vì sợ mất vốn địa phương vẫn đầu tư, dẫn đến “nơi cần lại thiếu vốn, nơi không cần lại thừa vốn”, không phát huy được hiệu quả của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vốn có mục tiêu chung là giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, nhất là người dân sinh sống ở địa bàn miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.