Trước nhu cầu lớn từ phía đối tác, không chỉ Diễn Châu tiếp tục mở rộng diện tích mà nhiều huyện khác trong tỉnh cũng đã “xe duyên” với cây khoai tây này. Khoai tây trắng hứa hẹn “bén duyên” lâu dài trên vùng đất Nghệ An.
Niềm vui ngày đầu xuân
Mới mồng 4 Tết Nhâm Dần, bà con xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu đã tấp nập ra đồng thu hoạch khoai tây để bán cho Tập đoàn Orion. Niềm vui ngày Tết như được nhân lên khi thu hoạch đến đâu, khoai tây được bốc lên xe contairner đến đó. Giá thu mua cao đúng như đã ký cam kết từ đầu vụ.
Đến sáng Khai hạ mồng 7 Tết Nhâm Dần, tại ngã tư đường liên xã vào UBND xã Diễn Phong khá đông người dân cùng những chiếc xe kéo chất đầy khoai tây tấp nập nhập sản phẩm. Những bì khoai tây được chất cao ngang thân người, dài hàng trăm mét dọc theo tuyến đường vào UBND xã Diễn Phong như Lễ hội khoai tây! Phía xa, một chiếc xe contairner đang bốc gần xong hàng và mấy chiếc đang đợi đến lượt trông thật vui mắt. Phía ngoài đồng, những luống khoai tây được cày vỡ, lộ trên mặt đất những củ khoai tây to bằng cái cốc; các chị, các em vừa nhặt vừa phân loại, cho vào bì những củ đạt tiêu chuẩn. Còn nam giới dùng xe chở những bì khoai tây vừa thu hoạch đến điểm nhập, cách chân ruộng không xa.
Ông Trần Đức Thưởng ở xóm 1 (Diễn Phong) khoe: Vụ đông 2021, nhà tôi chỉ trồng hai sào. Khoai tây dễ trồng, giá thu mua lại khá, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nên vụ đông ni, nhà tui trồng lên 3,1 sào, cho thu hoạch từ tám tạ đến một tấn/sào; lãi gần 3,5 triệu đồng/sào. Một thu nhập khá tốt đối với bà con chúng tôi. Kế bên, bà Trịnh Thị Kim cũng đang chuẩn bị nhập khoai tây, cho biết: Năm trước, thấy hàng xóm trồng khoai tây, giá cao, lại tiêu thụ nhanh gọn, mà ham, nên năm ni nhà tui mới vào cuộc, bốn sào trồng bắp cải chuyển sang khoai tây. Bà Kim nhẩm tính, trừ chi phí, trong vòng 90 ngày, gia đình thu hơn 13 triệu đồng tiền lãi…
Bà con cũng như cán bộ xã Diễn Phong, khuôn mặt rạng rỡ chia sẻ, khoai tây không chỉ dễ trồng, sản lượng lớn, giá bán cao, mà quan trọng nhất là làm ra đến đâu, doanh nghiệp bao tiêu hết đến đó, không phải lo lắng như các sản phẩm rau, màu khác, phụ thuộc sự trôi nổi thị trường, có khi phải nhờ giải cứu. Đó chính là cái “thắng” lớn của trồng khoai tây ở đây. Để thắng lợi hơn nữa, bà con mong muốn có thêm doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc cùng vào cuộc thu mua hết số khoai tây không đủ phẩm cấp nhập cho Orion, đó là củ nhỏ, xanh, nứt, chiếm khoảng 15 - 20% sản lượng.
Gặp anh Bùi Mạnh Cường, cán bộ của Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tại điểm bốc khoai tây lên ô-tô, anh Cường cho biết: Hai ngày qua đã thu mua được hơn 150 tấn khoai tây. Và trong vài ngày tới, thu mua thêm 500 tấn khoai tây tại Diễn Phong. Nhìn chung khoai tây trồng ở đây cho củ to, mẫu mã đẹp. Cũng theo anh Cường, hiện đơn vị đang tổ chức thu mua khoai tây tại Diễn Châu - nơi đã ký kết trồng khoai tây với viện. Được biết, Viện Sinh học nông nghiệp vừa cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân; đồng thời, đại diện cho Tập đoàn Orion để bao tiêu sản phẩm.
Cán bộ của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Diễn Phong chia sẻ, để có được sản phẩm khoai tây như hôm nay, năm 2020, Hợp tác xã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An) chọn triển khai mô hình trồng cây khoai lang trắng, để từ đây gắn kết với Viện Sinh học nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm. Hợp tác xã có khoảng 100 ha đất có thể làm khoai tây. Nhưng dịp năm 2020, xã viên chưa tin, vì trước đây bà con cũng từng trồng vài vụ khoai tây cho một vài doanh nghiệp nhưng không hiệu quả. Thế nên dự kiến của Hợp tác xã từ 9 ha giảm xuống còn sáu ha. Nhưng đến kỳ thu hoạch thì xã viên vui vô kể. Sản lượng đạt rất cao, hầu hết đều hơn 18 tấn/ha, có diện tích đạt đến 32 tấn/ha. Khoai tây sau thu hoạch, được doanh nghiệp thu mua ngay tại chân ruộng với giá bảy nghìn đồng/kg. Lợi nhuận thu được bình quân khoảng 70 triệu đồng/ha/90 ngày. Thế nên xã viên giành nhau giống để trồng. Đến mức gia đình giám đốc Hợp tác xã cũng phải nhường xã viên lấy giống trồng trước. Vụ đông 2021 với diện tích 30 ha, Hợp tác xã được Tập đoàn Orion tặng một máy làm đất trị giá 450 triệu đồng. Sang vụ đông 2022, chắc chắn diện tích sẽ tăng hơn nữa. Bà con đang quyết tâm để Tập đoàn tặng thêm một chiếc máy.
Hứa hẹn duyên dài lâu
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An Trần Quốc Thành cho biết: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An được Sở giao chủ trì đã thực hiện thành công dự án: “Xây dựng mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh tại Nghệ An”. Không chỉ sản xuất thành công giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh mà Trung tâm còn xây dựng thành công mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh này, phục vụ cho tiêu thụ tại xã Diễn Phong.
Tại huyện Diễn Châu, cùng với xã Diễn Phong có các xã Diễn Trung, Diễn Thành, Diễn Mỹ, Diễn Lộc… tham gia trồng với diện tích gần 130 ha. Nhiều xã ở thị xã Thái Hòa, các huyện: Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghi Lộc bắt đầu bén duyên với cây khoai tây trắng. Tính ra, tổng diện tích cây khoai tây trắng vụ đông năm 2021 ở Nghệ An đã lên hơn 200 ha. Chưa kể hàng trăm ha khoai tây vàng đã trồng tại nhiều địa phương khác. Hy vọng, các mô hình này sẽ là “ngòi nổ” để nhân rộng diện tích cây khoai tây trắng ra những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Nghệ An Ngô Hoàng Linh cho biết thêm.
Để tiếp tục phát triển cây khoai tây tại Nghệ An, Viện trưởng Sinh học nông nghiệp Nguyễn Xuân Trường cho rằng: Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ đã thúc đẩy chương trình này phát triển. Nếu không có những giúp đỡ ấy, chắc chắn Viện sẽ mất thêm nhiều thời gian mới đem được tiến bộ khoa học cùng doanh nghiệp đến với bà con nông dân Nghệ An. Trong tương lai nhu cầu khoai tây nguyên liệu của Tập đoàn Orion sẽ lớn hơn rất nhiều. “Như vậy, người nông dân tham gia trồng cây khoai tây hoàn toàn không phải lo về đầu ra. Đây là sản xuất nông nghiệp bền vững, sẽ không có tình trạng được mùa, mất giá”, Viện trưởng Nguyễn Xuân Trường khẳng định.
“Nhờ sự gắn kết chặt chẽ “bốn nhà”, đến nay, chúng tôi chắc chắn rằng, người nông dân của tỉnh sẽ gắn bó cùng cây khoai tây Alantic và Tập đoàn Orion, qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông, nâng cao thu nhập cho người dân”, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An Hoàng Nghĩa Nhạc nhấn mạnh.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Diễn Phong Liễu Phi Kha, địa phương có diện trồng rau màu khá lớn, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm cực kỳ khó khăn. Có những giai đoạn phải kêu gọi giải cứu. Hai năm qua, xã tiếp cận được mô hình trồng khoai tây cho những kết quả rất tốt. Vụ đông 2021, kế hoạch trồng 30 ha nhưng đạt 40 ha. Với mô hình này, các khâu giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm đã có các cơ quan khoa học, doanh nghiệp lo cho trọn vẹn, người dân chỉ việc tập trung sản xuất. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, mở rộng diện tích trong những mùa vụ tới...