Liên hợp quốc: Cần thêm tài trợ để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu

NDO -

Theo dự báo, đến năm 2030, các quốc gia đang phát triển cần tới 300 tỷ USD để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, tuy nhiên mức tài trợ hiện tại vẫn chưa đủ 25% số tiền này.

Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Bekasi, Tây Java, Indonesia, ngày 22/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Bekasi, Tây Java, Indonesia, ngày 22/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/10, Liên hợp quốc nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sắp tới diễn ra ở Glasgow (Anh), các nước cần tăng cường tài trợ cho các nước đang phát triển để nâng cao khả năng thích ứng và năng lực ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Đây là một cách tiếp cận có ý nghĩa vô cùng quan trọng ở các nước đang phát triển, những quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng và cháy rừng.

Trong tuyên bố của mình, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có nỗ lực toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, với trọng tâm là hỗ trợ các nước nghèo thích ứng với thời tiết thay đổi.

Theo dự báo, đến năm 2030, các quốc gia đang phát triển có thể cần tới 300 tỷ USD để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, và con số này có thể lên tới 500 tỷ USD vào năm 2050. Tuy nhiên, mức tài trợ hiện tại chưa đến 25% số tiền cần thiết cho năm 2030.

UNCTAD kêu gọi xóa nợ và tái cơ cấu nợ cho các nước đang phát triển, cũng như nâng cao khả năng cung cấp vốn của các ngân hàng phát triển đa phương.

Trao đổi với báo giới, người đứng đầu UNCTAD Rebeca Grynspan nêu rõ biến đổi khí hậu không phân biệt biên giới và do đó, chiến lược của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu.

Ông nhấn mạnh việc điều chỉnh các mục tiêu và hành động sẽ đòi hỏi sự phối hợp ở cấp độ đa phương nhằm bảo đảm hỗ trợ tài chính để các nước đang phát triển nâng cao năng lực thích ứng với tác động ngày càng nghiêm trọng do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra mà nguyên nhân là do biến đổi khí hậu.

Cùng ngày, lãnh đạo của 91 công ty lớn trên thế giới đã kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh COP26 loại bỏ việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và phối hợp với doanh nghiệp để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính về 0.

Trong một bức thư ngỏ, Liên minh các Giám đốc điều hành (CEO) vì Khí hậu đã kêu gọi các chính phủ giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng vào năm 2050, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải và tăng cường đổi mới.

Các CEO đề xuất loại bỏ việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, giảm thuế đối với hàng hóa thân thiện với khí hậu và hỗ trợ đổi mới công nghệ giúp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Các công ty này cũng cam kết giảm hơn 1 gigatonne lượng khí thải hằng năm vào năm 2030. Các CEO cũng kêu gọi COP26 bảo đảm các nước phát triển đáp ứng cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.

Năm 2009, các quốc gia giàu cam kết sẽ huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5 năm kể từ 2020.

Tuy nhiên, ngày 26/10, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh COP26 Alok Sharma đã cảnh báo các quốc gia phát triển có thể sẽ chậm tiến độ khoảng 3 năm so với dự kiến trong thực hiện cam kết hỗ trợ tổng cộng 500 tỷ USD giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông cho rằng, mục đích của việc huy động tài chính theo cam kết là nhằm xây dựng lại lòng tin, do đó các quốc gia phát triển cần phải hiện thực hóa cam kết này.

Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh COP26 sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 31/10 ở thành phố Glasgow.

Nguồn tài chính nhằm ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng đối với hội nghị lần này khi hội nghị hướng tới thúc đẩy các cam kết tham vọng lớn hơn của nhiều quốc gia nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu.