Liên hoan văn nghệ dân gian, lễ hội vùng thượng du Thanh Hóa

NDO - Tối 11/11, tại huyện miền núi Thường Xuân, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Thanh Hóa khai mạc Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Khu du lịch Bản Mạ ở thị trấn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Khu du lịch Bản Mạ ở thị trấn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng thượng du Thanh Hóa thu hút hơn 1.000 cán bộ văn hóa, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở 10 huyện miền núi tham gia.

Ngoài dàn dựng chung Chương trình nghệ thuật “Danh nhân Cầm Bá Thước-Rạng ngời đất Châu Thường” công diễn trong đêm khai mạc; mỗi đơn vị tham dự Liên hoan biểu diễn nội dung chương trình nghệ thuật dân gian có thời lượng 10-15 phút, trưng bày sản phẩm văn hóa, du lịch, đồ dùng, vật dụng, sản phẩm OCOP, đặc sản, chế biến, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương tại Phiên chợ vùng cao.

Liên hoan văn nghệ dân gian, lễ hội vùng thượng du Thanh Hóa ảnh 1

Một hoạt cảnh trong chương trình sân khấu hóa "Danh nhân Cầm Bá Thước-Rạng ngời đất Châu Thường".

Liên hoan văn nghệ dân gian, phiên chợ vùng cao kết tinh tri thức, giá trị văn hóa bản địa, hội tụ bản sắc, tái hiện sắc thái văn hóa sinh động, đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”.

Các đoàn nghệ thuật, cá nhân trong phong trào văn hóa cơ sở tham gia trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thanh Hóa, biểu diễn trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu của địa phương.

Liên hoan văn nghệ dân gian, lễ hội vùng thượng du Thanh Hóa ảnh 2

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phát biểu tại đêm khai mạc Liên hoan.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến nhấn mạnh: Thông qua các hoạt động liên hoan, đồng bào các dân tộc thiểu số được tham gia, hưởng thụ, giao lưu văn hóa, thể thao, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Liên hoan Văn nghệ dân gian, phiên chợ và lễ hội “Hương sắc vùng cao” tái hiện sắc thái văn hóa đặc trưng, thể hiện nhận thức thẩm mỹ cùng tính cố kết cộng đồng, sức sống lâu bền của văn hóa các dân tộc thiểu số ở vùng thượng du Thanh Hóa.

Liên hoan văn nghệ dân gian, lễ hội vùng thượng du Thanh Hóa ảnh 3

Đua thuyền trên sông Chu.

Cũng trong dịp này, các đoàn đại biểu dự lễ dâng tại Đền thờ Cầm Bá Thước, tri ân, khắc ghi công lao người thủ lĩnh tài ba của đồng bào dân tộc Thái đã tập hợp đồng bào các dân tộc thiểu số hưởng ứng, phát triển phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Huyện Thường Xuân tổ chức Lễ mừng cơm mới và Giải đua thuyền truyền thống tại Khu du lịch bản Mạ ở thị trấn huyện lỵ, thu hút, hấp dẫn các đại biểu, du khách thập phương.

Liên hoan văn nghệ dân gian-Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” là hoạt động cụ thể hóa “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2030”.

Cùng với Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa được tổ chức 4 năm 1 lần, Liên hoan Văn nghệ dân gian, phiên chợ và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” kéo dài đến ngày 13/11.

Liên hoan văn nghệ dân gian, lễ hội vùng thượng du Thanh Hóa ảnh 4

Gian hàng thổ cẩm của huyện miền núi Ngọc Lặc.

Đây là những ngày những hội văn hóa lớn ở vùng thượng du Thanh Hóa gắn với khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, là một trong những chuỗi hoạt động thiết thực củng cố truyền thống đoàn kết các dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Qua đó, phát triển lực lượng văn hóa cơ sở, phát hiện, bồi dưỡng nghệ nhân trẻ thành hạt nhân nòng cốt trong giữ gìn văn hóa truyền thống, nhân rộng hoạt động bảo tồn, chấn hưng, phát triển văn hóa dân tộc gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở vùng thượng du Thanh Hóa.