Lan tỏa năng lượng với chầu văn

Chẳng ai nghĩ chàng trai sinh năm 1996 Nguyễn Thế Hoàn (nghệ danh Thế Hoàn) với gương mặt thư sinh, nho nhã đã có đến hơn 10 năm đắm say chầu văn.
0:00 / 0:00
0:00
Lan tỏa năng lượng với chầu văn

Sinh ra ở thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) trong gia đình không làm nghệ thuật nhưng từ bé Thế Hoàn đã được nghe chầu văn từ băng cassette và đầu đĩa. Năm 16 tuổi, Hoàn bắt đầu tìm hiểu chầu văn và đi tìm thầy học nhưng ở quê không có thầy dạy hát chầu văn nên anh chuyển sang học sáo trúc.

Ba năm học sáo, Hoàn đã được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ, đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố. Anh thi vào chuyên ngành sáo trúc, Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và được NSƯT Hoàng Anh dạy trực tiếp. Ở Hà Nội, có điều kiện tiếp xúc với các nghệ nhân, nghệ sĩ lão luyện nên anh đã đến xin học thêm về hát chầu văn. Một trong những người thầy gắn bó với anh bền lâu nhất đến giờ là nghệ sĩ, Nghệ nhân Ưu tú Lương Trọng Quỳnh.

Đến nay Thế Hoàn không chỉ hát được chầu văn cổ mà còn đặt lời mới mang hơi thở cuộc sống đương đại, như “Hát văn cô vy”, “Hội đã tan rồi chia tay thôi cậu ơi”…, nhận được nhiều lời ngợi khen. Hoàn tâm đắc khi mình đã chọn đúng nghề. “Mới đầu chọn hát văn cũng có người bảo nghề này không chuyên nghiệp, bấp bênh và không có địa vị trong xã hội nhưng tôi luôn tin rằng nếu luôn cống hiến, đam mê và học hỏi hết mình thì mọi sự cố gắng sẽ được đền đáp. Tôi cảm thấy có năng lượng phát triển với hát văn, không bị mệt mỏi, chán nản, lúc nào cũng cảm thấy đam mê và tràn đầy nhiệt huyết”, Hoàn bộc bạch. Năng động, sáng tạo, Thế Hoàn đã lập kênh YouTube “Thế Hoàn hát văn” để đưa những phần trình diễn của mình đến gần hơn với khán giả, nhất là với người trẻ. Hiện nay kênh đã có đến hơn 11 nghìn người đăng ký. Để “giữ chân” khán giả, Hoàn không ngừng trau dồi chầu văn cổ để giữ lề lối, đồng thời phát triển những lối hát văn phù hợp nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay.

Theo Thế Hoàn, hiện nay hát văn có lối cổ và lối mới, nếu không cân bằng được giữa cổ và kim sẽ khó khăn để phát triển. Thí dụ nếu hát mới mà bị lai căng, ảnh hưởng từ nhạc hiện đại và remix sẽ làm mất đi giá trị mà ông cha để lại. “Ranh giới cổ và kim thật sự nhạy cảm, mong manh, nếu không biết nhìn nhận đúng đắn thì rất khó để gìn giữ và phát triển. Hát văn là loại hình âm nhạc tâm linh, ca từ đều có những ý nghĩa rất hay nên tôi luôn nghiên cứu và học hỏi nghiêm túc”, Hoàn chia sẻ. Soạn giả Phúc Yên cảm nhận: “Thế Hoàn rất nhiệt huyết trong công việc, ham học hỏi và đặc biệt luôn biết tiết chế cái sai của mình để sửa. Vì thế trong hơn 10 năm đến với hát văn, anh đã có kiến thức khá vững vàng, đã hát được nhiều bài hát văn cổ và đặc biệt đã biết đặt lời mới cho hát văn. Được trời phú cho giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng trên hết Hoàn đã luôn cố gắng rèn luyện, nỗ lực không ngừng nghỉ để giọng hát ngày càng hoàn thiện hơn”.