Lê Thái Sơn và "cuộc chiến" giữ tranh Việt

NDO - Lê Thái Sơn thuộc thế hệ các nhà sưu tập tranh trẻ hiện nay. Sinh năm 1968 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng bản thân anh không phải là họa sĩ. Lê Thái Sơn đã đột ngột quyết định gắn bó với nghề sưu tập tranh từ trách nhiệm của một công dân trước di sản văn hóa của đất nước đang trước nguy cơ ngày càng mai một.

Xe hơi hay là ... tranh?

Lê Thái Sơn từng nói rằng kinh tế xã hội phát triển là một trong những tiền đề để thị trường tranh Việt phát triển. Người ta có thể bỏ tiền mua ô-tô, biệt thự, thậm chí máy bay, việc mua tranh không còn xa xôi nữa. Nhưng xem ra tốc độ mua tranh của người Việt vẫn là 'tốc độ rùa' so với các nước trong khu vực. Thị trường tranh Việt vẫn sôi động nhờ vào... khách hàng ngoại.

Nhà sưu tập Việt chẳng còn cách nào khác là đóng luôn vai trò khách hàng của cái thị trường đầy nhiễu nhương nếu không muốn các bức tranh giá trị của đất nước 'không cánh mà bay'. Một công việc khá đơn độc, chẳng khác gì anh cưỡi một cái mảng kết bè chuối mà chống chọi giữa đại dương sóng lớn.

Xuất thân làm kinh doanh, hơn mười năm trước Lê Thái Sơn quyết định bỏ nghề để tập trung vào công việc của nhà sưu tập. Những bức tranh giá trị của Việt Nam cứ lặng lẽ ra khỏi biên giới với giá rất bèo bọt khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên. Anh thấy có một nghịch lý là một tác giả lớn như Nguyễn Trung của Việt Nam, giá tranh cũng chỉ dao động khoảng 5.000-8.000 USD/bức, ngang bằng với giá tranh các họa sĩ trẻ, chưa nổi tiếng bao nhiêu tại Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a! Chàng trai trẻ thấy mình có trách nhiệm với 'cuộc chiến' bảo vệ giá trị của tranh Việt. 

Chúng tôi gặp nhau ở một quán cà-phê gần phòng trưng bày của anh ở đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Lê Thái Sơn nói: 'Tôi không phải là tỷ phú. Tôi phải cày để kiếm tiền mua tranh. Bỏ kinh doanh rồi, giờ phải  loay hoay kiếm việc phù hợp để vừa nuôi sống mình vừa kiếm tiền mua tranh'.

Có người nói Lê Thái Sơn là một người hơi... khùng khùng. Anh muốn làm gì, tận tâm làm cho bằng được. Giai thoại kể rằng một hôm Sơn cưỡi ô-tô đi một vòng. Lúc anh về nhà thì ô-tô không cánh mà bay, trên tay anh là hai bức tranh cũ. Vợ anh chịu không nổi, cô cũng không hiểu anh cần những bức tranh kia làm gì? Nó đem lại cái gì cho gia đình nhỏ của mình đây? Thế là cãi nhau, mỗi người đi mỗi ngả. Dĩ nhiên câu chuyện ấy chỉ là giai thoại . Nhưng đúng là ai đã gặp Lê Thái Sơn đều thấy niềm đam mê tranh Việt của anh là vô bờ bến.

'Hầm tranh' bom đạn

19498.jpg

Lê Thái Sơn trong "hầm tranh" của mình.

Tôi muốn gọi phòng tranh (gallery) của anh trong cái hẻm ở phố Phạm Ngọc Thạch (cách ngôi nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không xa) là 'hầm tranh'.

Giữa thành phố đang tấp nập xây dựng, mua bán, chỗ nào cũng thấy ngân hàng với các đỉnh lãi suất, những tiệm vàng đông nghẹt người, lọt vào phòng tranh Lê Thái Sơn với những bức tranh cũ kỹ, dậy màu thời gian, không thể không xúc cảm. Người ta gặp lại đây những đường nét, những xúc cảm và tâm tư của Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến, Lưu Công Nhân... đủ các chất liệu từ thuốc nước, chì than, tới sơn dầu, sơn mài. Những người xem trẻ, nhất là những người yêu tranh ở TP Hồ Chí Minh có dịp tận mắt thấy những tác phẩm kinh điển như 'Trận địa pháo Hồ Tây' sơn dầu của Nguyễn Cao Thương (1967), 'Hợp tác xã chăn nuôi' bột mầu của Văn Ða (1970), 'Thiếu nữ Hà Nội'  thuốc nước của Lưu Công Nhân (1960), 'Khâm Thiên sau trận ném bom' mực tàu trên giấy của Cửu Long Giang (1972)...

Là người sinh trưởng ở miền bắc nhưng khi lọt vào cái 'hầm tranh' chống Pháp, chống Mỹ của nhà sưu tập Lê Thái Sơn, tôi cũng lặng cả người. Lặng người trước 300 tác phẩm hội họa kinh điển về chiến tranh Việt Nam. Và lặng người trước... người chủ 'hầm tranh'  đã bền bỉ lưu giữ lại những tác phẩm vô giá, như một người chiến sĩ hào hoa trên 'chiến trường' tranh chép, tranh nhái hỗn mang.

Ðể mua được các bức tranh thật, với Lê Thái Sơn cũng như nhiều nhà sưu tập khác, phải ngày đêm tìm hiểu các tác giả, bút pháp của họ, những bức tranh đã vẽ lúc nào, đã bán cho ai, hiện còn lưu trữ ở đâu. Như một thám tử, như một nhà phê bình, nhà tiểu sử, nhà kinh doanh - họ chính là các nhà sưu tập tranh!

Lê Thái Sơn kể vừa mới đây có người rất yêu tranh mua bức tranh 20.000 USD, đến khi nhờ các họa sĩ thẩm định mới biết là tranh giả. Ðó là chuyện thường ngày trong thị trường tranh Việt Nam bây giờ. 'Bản thân mình dù không bị sức ép về lợi nhuận mà có lúc cũng bị hạ gục bởi tranh giả. Tôi đã mua phải một bức tranh chép, mà chép từ bảo tàng! Mình chủ quan tin vào nguồn gốc bảo tàng, không dè có thời điểm bảo tàng cũng chép tranh để tiện cho trưng bày'.

Sáng tạo nghệ thuật hợp pháp, vẽ tranh là việc cao thượng, các bức tranh giá trị như những hạt ngọc của tâm hồn, nhưng, tận cùng của quá trình sáng tạo đó, là việc mua bán tác phẩm, lại gần như hoạt động 'mafia'. 'Chưa có thị trường minh bạch nên rất ít người đăng ký kinh doanh các tác phẩm kinh điển - Lê Thái Sơn nói - Càng ít hơn nữa những người đóng thuế từ công việc ấy'.

Giá trị tác phẩm vốn là một thứ mơ hồ. Nhất là khi nó được minh định chỉ từ một cá nhân con người, đó là người mua. Lê Thái Sơn nói: 'Ngay cả tôi cũng không dám tin tưởng hoàn toàn vào kiến thức của mình'. Anh nói thêm: 'Người ta đồn rằng có những bức tranh được chép bởi những họa sĩ nổi tiếng không kém gì tác giả đích thực của nó. Với tranh chép như thế, việc sưu tập của chúng tôi trở nên mạo hiểm'.

Mơ ước một thị trường minh bạch

'Chúng ta có rất nhiều sàn. Sàn chứng khoán, sàn vàng, sàn bất động sản. Ở đó mọi thứ đều dần được minh bạch hóa. Thị trường tranh thì chẳng có một cái sàn  như vậy'. Lê Thái Sơn buồn bã nói với tôi.

Tranh chép tranh nhái không chỉ làm cho người mua bị thiệt hại mà các họa sĩ cũng mất giá. Tranh của các họa sĩ Việt Nam cứ lẹt đẹt, không thể lên cao được, bởi ai cũng sợ mua phải tranh giả. Sơn nói: 'Một khi tranh của các họa sĩ hàng đầu mà không cao thì các họa sĩ trẻ rất khó có cơ hội. Họ chật vật với nghề nghiệp của mình với những tác phẩm được định giá bọt bèo'.

Lê Thái Sơn đang có dự định lớn. Anh nói với tôi anh sẽ đi ra nước ngoài. Anh sẽ tìm hiểu các mô hình bán tranh nghệ thuật của họ. 'Tôi sẽ định cư ở một thị trường nào đó, thúc đẩy việc bán tranh của Việt Nam tại đó. Dĩ nhiên với một chiến lược giới thiệu quảng bá tranh Việt tôi tin tranh của chúng ta sẽ có giá chứ không phải như hiện nay'.

Câu hỏi mà tôi đặt ra là 'Khi có một phòng đấu giá như thế ở nước ngoài, liệu Lê Thái Sơn có đem 300 tác phẩm hội họa chiến tranh mà anh đã sưu tập được, bán cho họ không?'.  Lê Thái Sơn nói: 'Tôi sẽ làm môi giới cho các họa sĩ đương đại, nhất là các họa sĩ trẻ có tác phẩm tốt mà ít được biết tới - Anh khẳng định - Là nhà sưu tập, tôi luôn phấn đấu để không phải bán các bức tranh trong kho tàng của mình'.

* Lê Thái Sơn mơ ước có ba sàn tranh, một ở Hà Nội, một ở miền trung và một ở TP Hồ Chí Minh. Các bức tranh được bán sẽ có lý lịch về tác giả, thời điểm sáng tác, nguồn gốc từ đâu. Khi đó việc mua bán tranh giả sẽ giảm thiểu. Các bức tranh thật được tôn vinh. Khách hàng không bị nếm trái đắng mà yên tâm với việc bỏ tiền ra mua các tác phẩm giá trị. Ðến khi đó, nạn chảy máu tranh Việt sẽ giảm thiểu. 'Rất nhiều người muốn mua tranh, họ có tiền, nhưng là nhà kinh doanh nên họ chẳng có đủ thời gian và kiến thức sâu về tranh, họ không thể yên tâm bỏ ra hàng triệu đô-la để mua một bức tranh kiểu chợ đen - Lê Thái Sơn nói -  khi có sàn tranh, tôi tin họ sẽ là những khách hàng đầu tiên'.