Lễ hội kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ chiến công của Hai Bà Trưng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng.

Ngày 25/2 (tức mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão), tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1983 năm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2023).

Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Tại lễ hội, thay mặt đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Hai Bà trưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền đã đọc diễn văn ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của hai nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Trước cảnh đất nước bị đô hộ, hai bà đã dựng cờ khởi nghĩa năm 40 và giành được nhiều thắng lợi quan trọng trước quân đô hộ nhà Hán. Tuy cuộc khởi nghĩa sau này thất bại, nhưng chiến công của hai bà luôn là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mãi mãi để lại bài học về đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đặc biệt là phát huy sức mạnh, trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ.

Phát huy truyền thống quật khởi của hai vị nữ anh hùng dân tộc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng đạt được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội.

Năm 2022, quận hoàn thành 20/20 chỉ tiêu được giao, trong đó 6 chỉ tiêu vượt mức. Năm 2023 là năm quan trọng, bản lề, năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, quận tiếp tục đặt ra quyết tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 26 đã đề ra để xứng đáng là quận được vinh dự mang tên hai vị nữ anh hùng của dân tộc.

Đền thờ Hai Bà Trưng được dựng lên từ thời Lý. Tương truyền dù thác ở sông Hát, khí thiêng của Hai Bà Trưng tụ lại nổi lên ở sông Hồng. Triều đình cho dựng đền thờ. Đến thế kỷ 19, đền thờ được di dời đến vị trí ngày nay, thuộc phường Đồng Nhân. Quần thể di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1954 ngày 31/12/2019.

Trong lễ khai mạc, nhân dân đã được thưởng thức màn trình diễn nghệ thuật sử thi tưởng nhớ chiến công của Hai Bà Trưng năm xưa. Cùng với các hoạt động, rước nước từ sông Hồng, dâng hương tại cụm di tích, người dân địa phương và du khách cũng được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc trong khuôn khổ lễ hội như biểu diễn võ thuật, múa lân rồng, viết thư pháp, nặn tò he, các trò chơi...