Đến nay, miền biển Sông Đốc đã 99 lần tổ chức Lễ hội nghinh Ông, kể từ lần đầu tiên khi Lăng thờ cá Voi (cá Ông) của làng chài Sông Đốc được xây dựng vào năm 1925.
Lễ hội tín ngưỡng dân gian này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021.
Linh vật được suy tôn trong lễ hội là cá Ông. Năm 1925, ngư dân Sông Đốc phát hiện xác cá Ông trôi dạt vào bờ, sau đó cất giữ xương cốt thờ trong lăng, nay gọi là Vạn Lăng Ông Nam Hải.
Với ngư dân làm nghề biển, cá Ông được xem là loài vật thiêng liêng, ví như vị thần Đại tướng quân Nam Hải độ trì hộ mệnh ghe tàu ra khơi khai thác thủy sản lúc gặp hiểm nguy trên biển. Vì vậy, khi Ông bị lụy, ngư dân làng chài ven biển sẽ xây dựng lăng thờ cúng.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc thu hút đông đảo ngư dân và khách thập phương
Theo ban tổ chức lễ hội, nghinh Ông Sông Đốc năm nay gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu từ nghi thức cúng tế, tiếp theo là nghi thức rước Long Đình từ Vạn Lăng Ông Nam Hải với cung nữ, hội ông, hội bà cùng đội cầm cờ nước, cờ phướn, kích, trống, lân…, cùng hàng nghìn người tham gia diễu hành từ Lăng Ông đến Cảng cá Sông Đốc trước khi đưa xuống tàu ra biển nghinh Ông.
Ở phần hội, nhiều hoạt động được tổ chức, tạo thêm sinh khí, như: Thi bơi thúng; trò chơi dân gian bắt vịt trên sông; thi kéo co; biểu diễn múa lân; biểu diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp kết hợp giao lưu giữa các tài tử, múa dân vũ; triển lãm tư liệu hình ảnh “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng pháp lý”...
Phần quan trọng nhất của lễ hội là lễ rước Ông (thỉnh Ông), diễn ra vào 15/2 âm lịch. Vào ngày này, hàng trăm phương tiện tàu cá cùng hàng nghìn ngư dân tham gia rước Ông. Chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn tàu thuyền, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông để người dân tham gia ra biển thỉnh Ông về.
Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Đốc Võ Quốc Thống, lễ hội nghinh Ông Sông Đốc cầu mong mưa thuận gió hoà, ngư dân khai thác biển trúng được nhiều cá tôm, an toàn và thuận lợi.
Việc thực hành nghi thức tín ngưỡng dân gian này còn giúp gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái, từ đó ra sức lao động sản xuất để chung tay xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.
Lễ hội cũng góp phần tích cực vào việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo của ngư dân các vùng ven biển tại Cà Mau.
Một số hình ảnh tại Lễ hội nghinh Ông:
Ban trị sự Lăng Ông cùng các hội tập trung tại sân chuẩn bị nghi lễ Nghinh Ông. |
Nghi thức diễu hành chuẩn bị đi thỉnh Ông tại miền biển Sông Đốc. |
Hội thi vá lưới tại Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc, thể hiện sự khéo léo của chị em phụ nữ trong công việc hậu cần nghề biển. |
Thi kéo co tại lễ nghinh Ông, thể hiện sức khỏe dẻo dai của ngư dân hành nghề biển, qua đó tạo sự đoàn kết trong lao động, sản xuất. |
Trưng bày tư liệu hình ảnh “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng pháp lý” tại lễ hội nghinh Ông Sông Đốc. |
Rất nhiều ghe tàu khai thác hải sản được trang trí cờ hoa, băng-rôn rực rỡ tham gia ra biển thỉnh Ông. |