Chiều 18/3, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) Võ Quốc Thống cho biết, lễ hội Nghinh Ông của ngư dân miền biển địa phương diễn ra thành công tốt đẹp và sẽ kết thúc vào tối cùng ngày.
Ở Cà Mau, lễ hội Nghinh Ông diễn ra từ ngày 14 đến 16/2 âm lịch hằng năm (năm nay từ 16-18/3 dương lịch), tại miền biển Sông Đốc của huyện Trần Văn Thời, thu hút đông đảo ngư dân và khách thập phương. Linh vật được suy tôn trong lễ hội là cá Ông, còn gọi là cá voi (ngư dân suy tôn là Đại tướng quân Nam Hải), loài cá thường cứu giúp ngư dân vượt qua cơn hoạn nạn lúc gặp hiểm nguy trên biển.
Cũng như nhiều tỉnh, thành phố có biển khu vực Nam Bộ, lễ hội Nghinh Ông ở Cà Mau là một trong những lễ hội dân gian đặc thù và lớn nhất trong năm của ngư dân miền biển, mong ước mưa thuận gió hòa, khai thác thủy sản trúng mùa... Phần quan trọng nhất của lễ hội là lễ rước Ông (thỉnh Ông), diễn ra vào ngày 15/2 âm lịch.
Vào ngày này, hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân được trang hoàng cờ hoa, neo đậu dưới bến sông từ từ tiến ra khơi. Trên đường ra biển, nếu gặp cá Ông phun nước (Ông dội) thì đoàn tàu quay trở về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục đọc lời cầu nguyện rồi “xin Keo”. Khi xin được keo tức là đã gặp “Ông” để rước “Ông” về đất liền, sau đó tiếp tục diễn ra các nghi lễ, cúng bái tại Vạn Lăng Ông.
Theo ghi chép còn lưu giữ tại Vạn Lăng Ông Nam Hải, nơi thờ cá Ông tại miền biển Sông Đốc, vào năm 1925, ngư dân địa phương phát hiện xác cá Ông trôi dạt vào bờ, sau đó cất giữ xương cốt thờ trong lăng, nay gọi là Vạn Lăng Ông Nam Hải. Ngoài bộ xương cá Ông trên, Vạn Lăng Ông Nam Hải hiện đang trưng thờ các bộ xương sườn, cốt những cá Ông trôi dạt vào bờ các năm 1951, 1953, 1963. Cạnh đó là hai bộ xương cá Đao, được xem là cá thần bảo vệ cá Ông không bị cá dữ tấn công.
Lăng thờ cá Ông nêu trên ở Cà Mau đã được Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật trao bằng bảo trợ vào tháng 3/2013. Riêng lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2021. Đây cũng là 1 trong 9 sự kiện lớn của chương trình “Cà Mau-Điểm đến 2022”.
Theo chính quyền địa phương, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc năm 2022 chỉ tổ chức phần lễ mà không tổ chức các phần hội (các trò chơi dân gian, hội thi, hội diễn văn nghệ…) như mọi năm. Dù vậy, Nghinh Ông Sông Đốc vẫn thu hút đông đảo ngư dân về tham gia rước Ông.