Lễ cúng bến nước của người Ê Đê

Trong các phong tục, tập quán và nghi lễ truyền thống của dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, lễ cúng bến nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mỗi khi dời buôn, lập buôn mới và vào dịp đầu năm mới, người Ê Đê đều tổ chức lễ cúng bến nước, cầu mong thần nước ban cho dòng nước trong lành.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào Ê Đê ở thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk tổ chức lễ cúng bến nước.
Đồng bào Ê Đê ở thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk tổ chức lễ cúng bến nước.

Dịp này, chủ bến nước là người đứng ra chủ trì việc cúng trong ba ngày.

Ngày thứ nhất, cả buôn làng dọn đường và sửa bến nước. Mọi người tham gia được chia thành hai nhóm chính.

Nhóm thứ nhất cùng thầy cúng làm lễ cúng ở khoảng giữa đường, từ đầu buôn làng đến bến nước.

Nhóm thứ hai thực hiện lễ cúng tại bến nước.

Lễ vật dâng cúng gồm 2 con heo và 9 ché rượu, được buộc vào các cây cột gơng thành một hàng dọc ở giữa gian khách của ngôi nhà dài. Thầy cúng cầm rượu đổ lên ống nước để cầu nước nguồn không bao giờ cạn. Trong khi đó, một người đàn ông cầm khiên múa, tiến lên lùi xuống ba lần. Hành động này mang ý nghĩa xua đuổi thần xấu ra khỏi bến nước.

Lễ cúng ở bến nước xong, dân làng cùng đến nhà chủ bến nước uống rượu cần.

Ngày thứ hai, cấm buôn. Lễ vật gồm 1 con gà trống trắng, 1 ché rượu cần, sợi chỉ bông, gạo. Nghi lễ được diễn ra tại cổng buôn. Hai bên cửa nhà chủ bến nước treo sợi chỉ bông, lông gà và vòng làm bằng tre.

Đường vào buôn sẽ bị chắn ngang bằng cây có buộc các loại dây như sợi chỉ hồng, lông gà… để báo cho khách ở xa biết là hôm nay trong buôn có việc, cấm người lạ vào.

Trường hợp người lạ đến muốn rời khỏi buôn, làng thì phải để lại một cái gì đó làm tin. Hôm sau người đó trở lại lấy sẽ được dân làng trả lại.

Trong thời gian làm lễ cúng bến nước, tất cả các hoạt động như làm rẫy, săn bắt, hái lượm đều phải ngưng lại. Ai vi phạm sẽ bị phạt theo lệ của buôn.

Thầy cúng đọc lời cúng hòa với tiếng chiêng ngân vang, cúng xong thầy cúng cầm cần rượu cần trao cho chủ bến nước (chủ nhà), bà con dân làng theo thứ tự nữ uống trước, nam uống sau.

Sau đó, thầy cúng phát gạo, sợi chỉ hồng cho các gia đình trong buôn về cúng tại nhà riêng của mình.

Ngày thứ ba, mở cổng buôn. Đồ cúng gồm một con gà, một ché rượu. Lễ cúng này mang ý nghĩa đuổi thần xấu, cầu mong nguồn nước mạch trong lành cho dân làng sử dụng.

Cúng xong, các dấu hiệu ngăn cấm người qua lại được dỡ bỏ.

Lễ cúng bến nước của người Ê Đê mang tính nghi lễ nhiều hơn tính hội. Tuy nhiên, đây cũng là dịp mọi người quây quần ở nhà chủ bến nước để trò chuyện, ca hát, trao đổi tâm tình, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng, buôn, làng.

Hiện nay, cuộc sống của các buôn làng đồng bào dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi, vì vậy lễ cúng bến nước cũng được rút ngắn thời gian và đơn giản hơn trước.

Ông Y Ngôn Knul, người có uy tín ở buôn Triă (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), buôn duy trì lễ cúng bến nước trong nhiều năm qua, cho biết: Lễ cúng bến nước là phong tục, tập quán và nghi lễ rất quan trọng của người Ê Đê, thường diễn ra sau khi thu hoạch vụ mùa, nhằm tạ ơn thần nước về kết quả vụ mùa trước; đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà trong buôn, làng.

Ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, phần lớn các gia đình trong buôn đều sử dụng nước giếng và nước từ các công trình cấp nước tập trung do Nhà nước đầu tư xây dựng để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, nhưng hằng năm, buôn làng đều tổ chức lễ cúng bến nước nhằm gìn giữ các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, lễ cúng bến nước cũng là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của người Ê Đê.

"Thông qua lễ cúng bến nước, người dân luôn giữ cho bến nước sạch sẽ, mạch nước luôn chảy tràn trề, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước, coi nguồn nước là báu vật của cả cộng đồng và tạo sự gắn kết trong cộng đồng", ông Y Ngôn Knul chia sẻ.

Với ý nghĩa đó, những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk và các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ nhiều buôn, làng người Ê Đê tổ chức, duy trì lễ cúng bến nước gắn với du lịch cộng đồng, nhằm bảo tồn một nghi lễ có ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên.