Lạng Sơn thu hút đầu tư để trở thành nền kinh tế chủ đạo vùng Đông Bắc

NDO - Lạng Sơn có tiềm năng lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là thương mại vùng biên; có vị trí địa lý rất tốt để phát triển kinh tế khi là cửa ngõ biên giới, nằm trong tuyến hành lang kinh tế xuyên Á, giáp với Trung Quốc và cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn hai tiếng đồng hồ di chuyển. Trải thảm đỏ thu hút đầu tư thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh đang là lựa chọn được chính quyền tỉnh Lạng Sơn thúc đẩy.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư, VACOD và hiệp hội doanh nghiệp 12 địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư, VACOD và hiệp hội doanh nghiệp 12 địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác.

Đã có 250 doanh nghiệp tham gia Hội nghị “Xúc tiến đầu tư-thương mại và du lịch VACOD-HBA-Lạng Sơn 2023” do Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức

Dấu ấn PCI

Lạng Sơn được mệnh danh là “hòn ngọc phía Bắc của Tổ quốc”, điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng thời, là cửa ngõ của các nước ASEAN với thị trường phía Nam Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với Trung Quốc.

Với mục tiêu phấn đấu trở thành nền kinh tế động lực chủ đạo vùng Đông Bắc, đặc biệt ngày càng tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, triển khai các Dự án đầu tư, Lạng Sơn đã thành công trong việc cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): theo công bố của VCCI mới đây, năm 2022 với điểm tổng hợp đạt 67,88 điểm, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2021.

Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư, trải thảm đỏ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Nhắc đến những chính sách cải cách mạnh mẽ toàn diện thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA, TS Nguyễn Hồng Sơn lý giải, đây chính là điểm quan trọng thu hút nhiều doanh nghiệp là Hội viên của VACOD và HBA trong cả nước lựa chọn Lạng Sơn để “làm tổ”.

Lạng Sơn thu hút đầu tư để trở thành nền kinh tế chủ đạo vùng Đông Bắc ảnh 1

Chủ tịch VACOD - HBA, TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn.

Minh chứng cho những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong thời gian qua, đại diện Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings cho biết, tập đoàn đã có một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh ngay tại thành phố Lạng Sơn và các huyện như Đồng Mỏ, Hữu Lũng, Cao Lộc, Chi Lăng,… với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trong đó, dự án khách sạn SOJO tại Thành phố Lạng Sơn là một điểm nhấn trên bản đồ du lịch của tỉnh. Với mô hình khách sạn thông minh, SOJO Hotel đã bổ sung thêm một lựa chọn lưu trú mới mẻ và thú vị cho khách du lịch khi tới đây.

Bên cạnh đó, các dự án bất động sản nhà ở nằm trong chủ trương phát triển đô thị của tỉnh đang từng ngày góp phần làm thay đổi cảnh quan, diện mạo đô thị của Lạng Sơn.

Ngoài ra, TNG Holdings cũng bày tỏ đang quan tâm đến dự án thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp-năng lượng; giao thông-đô thị; du lịch-dịch vụ; nông nghiệp-nông thôn; y tế-giáo dục. Đại diện Tập đoàn TNG Holdings Vietnam cho biết sẽ nghiêm túc nghiên cứu các cơ hội đầu tư mới, tiếp tục chung tay cùng các nhà đầu tư khác phát triển kinh tế-xã hội, dịch vụ, thương mại-dịch vụ của Lạng Sơn.

Để Lạng Sơn cất cánh

Ngoài thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên về di tích lịch sử, văn hóa, Lạng Sơn còn nổi lên như một điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế về vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện nhiều dự án lớn và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch.

Lạng Sơn là điểm nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (CAFTA).

Đánh giá cao về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa Lạng Sơn, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư khuyến nghị, Lạng Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp và nông, lâm nghiệp…

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tận dụng những cơ hội phát triển để tạo sự chuyển mình đột phá, ông Trung cho rằng Lạng Sơn đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững, khai thác tối đa năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên; phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững.

Đồng thời phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Vùng và Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh. Trong đó, bên cạnh việc huy động tối ưu nguồn lực bên trong, cần khai thác tối đa nguồn lực bên ngoài thông qua việc thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài.

Tham gia Hội nghị, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đề nghị tỉnh Lạng Sơn chú ý về tiêu thụ sản phẩm. Còn đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nên bố trí đầu tư vào hạ tầng thương mại, thúc đẩy phát triển các sản phẩm lợi thế có tiềm năng của tỉnh như nông sản, đồ gia dụng, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Việt Nam…

Tiếp tục đẩy mạnh các Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, tích cực tham gia vào các Chương trình, Đề án của Bộ Công thương như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030,…

Cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, Lạng Sơn nên định vị thành một trung tâm thương mại và logistics biên giới để khai thác ưu thế vị trí địa lý và các cửa khẩu quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Lạng Sơn thu hút đầu tư để trở thành nền kinh tế chủ đạo vùng Đông Bắc ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cam kết đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh thu hút doanh nghiệp đến “làm tổ”.

Nói rõ về những chính sách của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều sự cải thiện tích cực. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước Đức, Hàn, Nhật, Trung Quốc. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đến đầu tư tại Lạng Sơn như Vin Group, Sun Group, Sovico, APEC, VSHIP và nhiều tập đoàn đang mong muốn được đầu tư như Viglacera, T&T, TH True Milk…

Xác định thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước là sự bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tỉnh Lạng Sơn đã đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ giải pháp gồm:

Một là tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, huy động động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh xác định trọng tâm là phải tạo được niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua các hoạt động cụ thể như cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, an toàn,...

Hai là tích cực triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới sự “Công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm” của chính quyền đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính theo phương thức đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thời gian, tiết giảm chi phí…

Ba là tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước hết là hạ tầng giao thông, gồm các tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B kết nối Lạng Sơn-Quảng Ninh, thực hiện giai đoạn 1 tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, đề xuất tuyến đầu tư đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn-Hà Nội… bên cạnh đó là đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Bốn là tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông, khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin,…

Năm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên phát triển các trường cao đẳng, cơ sở dạy nghề trên địa bàn theo hướng đào tạo đa ngành, đa nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.