Lắng nghe nhân dân để có chính sách đúng, kịp thời

Từ nhiều năm nay, công tác nắm bắt dư luận xã hội, lắng nghe ý kiến của người dân luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Việc kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, lắng nghe đầy đủ ý kiến, tâm tư của người dân giúp cho cấp ủy đảng và chính quyền định hướng, lập kế hoạch công tác phù hợp, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đối thoại về giải quyết thủ tục hành chính về đất đai do Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái tổ chức. (Ảnh MẠNH CƯỜNG)
Đối thoại về giải quyết thủ tục hành chính về đất đai do Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái tổ chức. (Ảnh MẠNH CƯỜNG)

Quan trọng hơn, việc nắm bắt dư luận xã hội giúp cấp ủy đảng và chính quyền các cấp kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề bức xúc đang diễn ra, phát sinh trong thực tế cuộc sống, qua đó góp phần củng cố niềm tin và tình cảm của người dân.

Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, có nhiều nơi, nhiều đơn vị đã triển khai các hình thức cụ thể để lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua đó kịp thời nắm bắt thực tế cuộc sống. Trong đó, đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Dân vận Thành ủy phối hợp tổ chức Hội nghị ký kết kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nắm tình hình nhân dân và dư luận xã hội trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024-2025.

Theo kế hoạch, cùng với việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương của Thành ủy, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố gắn với chủ đề năm của thành phố, các đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền kết quả tham gia đóng góp ý kiến, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

Bên cạnh đó, chú trọng triển khai phối hợp nắm tình hình nhân dân và dư luận xã hội từ thành phố đến cơ sở và khu dân cư; xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở; qua đó, kịp thời theo dõi, nắm tình hình nhân dân, dư luận xã hội và phản ánh về thành phố để tổng hợp, kiến nghị, đề xuất các cấp, các ngành liên quan xem xét giải quyết; đồng thời chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội.

Đáng chú ý, các đơn vị tập trung triển khai rà soát, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc chính đáng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những bức xúc có nguy cơ tạo ra điểm nóng, các vụ việc liên quan đến việc triển khai các dự án, công trình trên địa bàn; phối hợp kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra vi phạm, có vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân quan tâm nhằm kịp thời định hướng dư luận thành phố; tránh để hình thành những điểm nóng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố; phối hợp nắm chắc tình hình, thường xuyên theo dõi, phát hiện, thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên không gian mạng.

Theo báo cáo, trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội của 3 cơ quan nêu trên cho nên công tác định hướng thông tin, định hướng dư luận trong nhân dân ngày càng nền nếp và mang hiệu ứng tích cực. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân được Thành ủy, chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết kịp thời; công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng các tầng lớp nhân dân được Ban Tuyên giáo Thành ủy, Mặt trận thành phố, Ban Dân vận Thành ủy tổng hợp qua các kênh, báo cáo gửi đến Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi và định hướng trong hoạch định các chủ trương, chính sách công.

Tại Yên Bái, Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: Từ việc nắm chắc tình hình nhân dân, nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm được đề nghị giải quyết, tạo được sự đồng thuận. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng nắm tình hình nhân dân và dư luận xã hội thông qua kênh tiếp xúc cử tri, qua phản ánh của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư và trực tiếp xuống tận địa bàn dân cư để nắm bắt tình hình. Đáng chú ý,

Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò của công nghệ thông tin với việc đẩy mạnh hiệu quả Trang thông tin điện tử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Fanpage Mặt trận Tổ quốc các cấp. Đến nay 9 huyện, thị xã, thành phố, 173 xã, phường, thị trấn và 1.358 Ban Công tác Mặt trận có Fanpage, đã tạo thành hệ thống thông tin kịp thời, chính xác, tiếp cận rộng rãi, nhanh chóng đến mọi thành phần, tầng lớp nhân dân.

Từ việc kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, hàng loạt vấn đề dư luận xã hội quan tâm đã được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái giám sát và tổng hợp kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền xem xét, trả lời. Điển hình như việc giải quyết đền bù của các hộ dân tại các thôn Giàng La Pán, Tà Ghênh, Mù Thấp và Mù Cao thuộc xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu; việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư đối với một số dự án, công trình do Sở Giao thông vận tải tỉnh làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải; việc minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính nhà nước liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho cá nhân và hộ gia đình cũng đã được Mặt trận Tổ quốc tỉnh vào cuộc giám sát.

Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực “làm chủ” mặt trận thông tin, truyền thông nhưng có nơi, có thời điểm, những thông tin, dư luận xã hội, nhất là thông tin tiêu cực, xấu, độc... chưa được nắm bắt và xử lý kịp thời, dẫn đến tâm lý bức xúc trong người dân, khiến cho người dân dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây mất an ninh, trật tự.

Kịp thời cập nhật và nắm bắt tâm tư người dân, dư luận xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhưng một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc, còn hời hợt, chiếu lệ cho nên sự phản hồi và xử lý thông tin chưa kịp thời. Sự phát triển nhanh chóng của các loại hình thông tin trên mạng xã hội đã làm cho việc nắm bắt dư luận trở nên khó khăn hơn, nhất là trước thông tin đa chiều, xấu độc tràn lan.

Thực tế này đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải có sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực và kỹ năng của cán bộ, đảng viên để có thể nắm bắt và xử lý các thông tin chính xác hơn, nhanh nhạy hơn. Các cơ quan, đơn vị chức năng cần đẩy mạnh và mở rộng liên kết thường xuyên, chặt chẽ, cùng nhau cập nhật dư luận và xử lý thông tin một cách nhanh chóng, chính xác.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng nghiên cứu, triển khai các chế tài, biện pháp xử lý nghiêm minh các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, kích động, gây hại cho lợi ích, uy tín quốc gia, dân tộc, địa phương, đơn vị, cá nhân, tổ chức.