Làm thầy, làm thợ

Tôi có ông chú là thợ cơ khí rất giỏi. Ông đã từng học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội thời Tây, và sau đó lại dạy ở Trường Trung học cơ khí thời ta. Ông không có bằng kỹ sư, không được phong giáo sư, nhưng dạy học bằng cách dạy nghề, đứng bên máy để chỉ dẫn, kiểm tra bản vẽ, bảo ban học sinh. Học trò của ông rất nhiều, trong đó có nhiều người nay đã là kỹ sư giỏi, khi gặp việc khó lại thường lui tới hỏi thầy. Làm thợ từ năm 16 tuổi tới năm 54 tuổi, tức là 28 năm trong nghề mới được lên bậc cao nhất; hai năm trước khi về hưu lại được hưởng lương “vượt khung”.
0:00 / 0:00
0:00
Làm thầy, làm thợ

Suốt đời làm thợ, tạm gọi là vào hạng tột đỉnh nghề nghiệp, mà khi về hưu cuộc sống vẫn bần hàn.

Ông tốt lắm, không kêu ca nửa lời, ngoài giờ ở xưởng, ở trường, về nhà lại chuyên tâm dạy nghề và dạy đạo đức nghề nghiệp cho con cái, để đưa cả nhà vào làm thợ mà đều là thợ giỏi, thợ tốt. Thấy hoàn cảnh sống của ông, tôi thật không yên tâm. Gặp lúc ốm đau, ông vẫn không được tới Việt-Xô[1], lại vẫn lẽo đẽo đi bệnh viện “sơ cấp”, càng làm cho tôi thắc mắc.

Mà lương của ông thì đã vượt quá lương chuyên viên 2 lúc bấy giờ, đó là chưa kể ông là chuyên viên thật hơn cả mấy người “chuyên viên” lương. Tôi đấu tranh, đến tận Bộ Y tế.

Gặp được một anh vụ trưởng là bạn quen, tôi hỏi: “Chế độ ta nói là ưu đãi công nhân, mà sao chính sách với công nhân lại như thế!”.

Anh ta cũng thấy là bất công, nhưng trả lời an ủi tôi: “Chúng mình cũng đang thảo luận, nhưng chính sách nó thế, biết làm thế nào được!”.

Hỏi đi, hỏi lại cũng không ăn thua gì, một hai năm sau ông về hưu, tôi cũng không hỏi lại nữa. Vừa rồi ông bị ốm liệt giường, đến thăm ông lại thấy ông nằm trong bệnh viện khu phố. Lúc đó, tôi mới biết là vấn đề được đặt ra cả hàng chục năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Thợ bậc cao của ta ít lắm, hiếm lắm. Theo tôi biết thì số thợ bậc cao (chứ không chỉ tính riêng số thợ có bậc cao nhất) thì cũng chỉ có khoảng 5% số công nhân. Người có khiếu lại chuyên cần thì cũng phải hai chục năm mới leo lên được bậc đó. Con cháu trong nhà kỹ sư, đại học cũng nhiều, có đứa đã vào nghề “thầy”, nhưng hỏi chúng nó thì ai cũng rất coi trọng “thợ”, nhất là thợ cả, thợ bậc cao; có đứa nói: “Không có các bác ấy thì nhiều lúc gay to. Có khi phải mang ô-tô, nấu cháo gà mời mấy bác tới chỉ bảo”.

Thế mà một đời phấn đấu tột đỉnh vẫn chỉ hơn mấy người mới vào nghề 9.000 đồng tiền lương, tức là hơn 2kg thịt một tháng. Chúng tôi không nghĩ là mọi người thợ bậc cao đều phải được vào bệnh viện đặc biệt, vì chắc chắn sau này những thứ đó sẽ bớt dần đi, mà chỉ mong có một chính sách gì ưu đãi với thợ bậc cao lúc ốm đau. Nhưng một tinh thần toát lên là thấy ân hận cho đời làm thợ quá. Chẳng trách mà mấy đứa trẻ trong họ nhà tôi không có mấy đứa muốn làm thợ mặc dù ông nó là thợ nguội trăm phần trăm.

Trong xã hội có “thầy” lại phải có “thợ”. “Thầy” cũng quan trọng mà “thợ” cũng quan trọng; làm thầy giỏi cũng khó mà làm thợ giỏi cũng khó. Nhiều tiếng kêu nỗi khó của “thầy”, tôi xin nói thêm cái khổ của “thợ”, những bất công với thợ bậc cao. Người xưa chê cái anh “dở thầy, dở thợ” vô tích sự, thế mà không khéo anh ta lại đang có lương bổng cao nhất không biết chừng!

HỮU THỌ

----------------------

Báo Nhân Dân, số 13068, ngày 10/7/1990.

[1]. Tức Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô, nay là Bệnh viện Hữu Nghị (B.T).