Trong tháng 7, HNX tổ chức 21 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với tổng khối lượng trúng thầu là 33.287 tỷ đồng. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 28.837 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 4.450 tỷ đồng.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2023, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 208.729 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 52,18% kế hoạch năm và Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 4.450 tỷ đồng, đạt 18,27% kế hoạch.
Đáng chú ý, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước tại thời điểm cuối tháng 7 giảm từ 5 đến 20 điểm cơ bản so cuối tháng 6.
Cụ thể, lãi suất trúng thầu phiên cuối cùng trong tháng 7 của các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 1,8%; 2,4%; 2,6%; 2,75% và 3,1%. Trái phiếu kỳ hạn 15 và 10 năm trúng thầu chiếm tỷ trọng vượt trội, lần lượt là 50,92% và 39,35% so tổng khối lượng phát hành.
Về giao dịch thứ cấp trái phiếu Chính phủ, tháng 7 có tổng giá trị giao dịch đạt 109.611 tỷ đồng, giảm 29,23% so tháng 6, bình quân đạt 5.220 tỷ đồng/phiên, trong đó giao dịch Outright chiếm 79,78%, còn lại là giao dịch Repos. Lợi suất giao dịch bình quân của công cụ nợ giảm nhiều nhất ở các kỳ hạn 15-20 năm, 2 năm và 5-7 năm, tương ứng 20,27%; 11,11% và 11,08% so cùng kỳ tháng trước, và tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 25-30 năm và 20-25 năm, tương ứng 9,44% và 7,78% so cùng kỳ tháng trước.
Về kỳ hạn giao dịch của công cụ nợ, các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trong tháng là kỳ hạn 15 năm, 20-25 năm, và 10 năm với tỷ trọng so tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tương ứng là 21,45%; 18,58% và 17,23%.