Lai Châu tăng cường quản lý học sinh sử dụng phương tiện giao thông

NDO - Hiện nay, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe gắn máy và xe máy điện diễn ra phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. Trước thực trạng này, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thống kê các phương thức đi lại của học sinh khi đến trường; kiểm tra, chấn chỉnh, có biện pháp xử lý, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện đến trường.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ cảnh sát giao thông đến các trường học tuyên truyền hướng dẫn học sinh tham gia giao thông.
Cán bộ cảnh sát giao thông đến các trường học tuyên truyền hướng dẫn học sinh tham gia giao thông.

Tình trạng học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy và xe máy điện tham gia giao thông tại địa bàn thành phố và thị trấn các huyện còn diễn ra phổ biến. Thậm chí, có cả học sinh tiểu học, trung học cơ sở điều khiển xe máy điện đi học. Các em đều thiếu kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đối với nhóm đối tượng này.

Trước thực tế đó, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các trường học đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh và phụ huynh.

Lai Châu tăng cường quản lý học sinh sử dụng phương tiện giao thông ảnh 1

Tình trạng học sinh tham gia giao thông không bảo đảm an toàn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Cô giáo Nguyễn Thị Dám, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết, nhà trường chỉ đạo giáo viên tuyên truyền lồng ghép dạy học về an toàn giao thông, trong đó nhấn mạnh học sinh chưa được sử dụng xe máy điện và xe đạp điện. Các em học sinh nâng cao hiểu biết và có nhận thức tốt hơn. Nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, rà soát phương tiện của các em học sinh để kiểm soát tốt hơn vấn đề bảo đảm an toàn giao thông của học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh có gần 57.400 học sinh cấp trung học sơ sở và trung học phổ thông, tỷ lệ các em sử dụng xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3, xe điện rất cao. Trong những năm qua, lực lượng chức năng, gia đình, nhà trường đã có sự phối hợp trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh tự giác chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông. 100% học sinh đi xe đến trường thực hiện đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để phối hợp công an địa phương kiểm tra, quản lý.

Lai Châu tăng cường quản lý học sinh sử dụng phương tiện giao thông ảnh 2

Vụ tai nạn giao thông do học sinh sử dụng phương tiện và tham gia giao thông không bảo đảm an toàn.

Em Lê Thị Phương Anh, học sinh Trường trung học phổ thông thành phố Lai Châu cho biết: "Em được thầy, cô giáo, được cả các chú cảnh sát giao thông đến trường tuyên truyền, biết được các quy định về tuổi sử dụng các phương tiện như thế nào rồi thì phải thực hiện cho tốt. Em chưa đủ tuổi đi xe gắn máy hay xe máy điện, cho nên em chọn phương tiện xe đạp điện đến trường để chấp hành luật an toàn giao thông và bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh".

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lai Châu, trong tháng 10/2024, tháng cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trong học sinh, toàn tỉnh có 200 trường hợp là học sinh bị xử lý vi phạm giao thông. Với các vi phạm chủ yếu là lạng lách, đánh võng, học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy, xe máy điện... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và không ít vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Lai Châu tăng cường quản lý học sinh sử dụng phương tiện giao thông ảnh 3

Cảnh sát giao thông tổ chức tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn thành phố Lai Châu.

Trung tá Trần Văn Đạt, Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Lai Châu cho biết, trước thực trạng trên, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp nhà trường tổ chức ký cam kết và tuyên truyền trực tiếp bằng hình ảnh, trả lời câu hỏi xử lý các tình huống về bảo đảm an toàn giao thông cho các em học sinh trên địa bàn thành phố, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh không giao xe cho các cháu khi chưa đủ điều kiện nhằm hạn chế được tình trạng học sinh vi phạm giao thông. Nhờ vậy trong hai tháng cuối năm 2024 tình trạng vi phạm giao thông và sử dụng phương tiện tham gia giao thông chưa đủ tuổi đã có xu hướng giảm.

Hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan, giao phương tiện khi con chưa đủ tuổi, cho con đi xe đạp điện, xe máy điện khi con còn quá nhỏ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm và tai nạn giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh.

Vì vậy, lực lượng chức năng cũng như các cơ sở giáo dục cần quyết liệt trong việc tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không giao xe máy cho học sinh; không tổ chức trông giữ xe mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện khi học sinh chưa có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi.

Sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan thực thi pháp luật sẽ là điều kiện giúp giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông cho học sinh và cộng đồng.