Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều phương án giải tỏa, tăng cường lực lượng để hỗ trợ, song tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên, khiến người tham gia giao thông bức xúc, gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Vào giờ cao điểm (buổi sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút và buổi chiều từ 16 giờ đến 17 giờ 30 phút), tại các tuyến phố có trường học như: Trường tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Chu Văn An A trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Trường liên cấp Newton tại ngõ 234 phố Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), Trường liên cấp Marie Curie trên phố Trần Văn Lai (quận Nam Từ Liêm), Trường tiểu học Trần Quốc Toản trên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm)... tình trạng ô-tô, xe máy của các bậc phụ huynh dừng đỗ bừa bãi, lộn xộn trên vỉa hè, dưới lòng đường trước cổng trường chờ đón học sinh ra về, gây cản trở, ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Vừa nhả chân côn được 3 giây, xe buýt do anh Trần T điều khiển tiến được một đoạn ngắn, sau đó tiếp tục đạp phanh và đứng yên.
Hằng ngày, vào giờ cao điểm, anh T phải kiên trì, nhẫn nại lái xe buýt nhích từng mét trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Và mỗi ngày anh T phải mất 30 phút cho quãng đường khoảng 2km từ ngã tư đường Thanh Niên-Thụy Khuê đến ngã tư Văn Cao-Thụy Khuê.
Đó là thực trạng mà không chỉ anh Trần T, mà rất nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường này gặp phải.
Nguyên nhân được cho là trên tuyến đường này có nhiều điểm trường học, vì vậy vào giờ cao điểm lượng phương tiện đổ ra đây cực lớn.
Tình trạng ô-tô, xe máy của các bậc phụ huynh dừng, đỗ bừa bãi, lấn chiếm hai phần ba lòng đường vào giờ đưa, đón học sinh.
Nhiều người buộc phải đi qua tuyến phố Thụy Khuê vào khung giờ này đều cảm thấy ngao ngán.
Tuyến phố này cùng nhiều con đường khác ở TP Hà Nội có các điểm trường học đều trở thành những "điểm nóng" ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện nay.
Phố Thụy Khuê hiện được lưu thông hai chiều, vốn dĩ đã chật hẹp, nhưng với tình trạng phương tiện dừng, đỗ tràn hết ra lòng đường đang khiến giao thông qua khu vực này ùn tắc nghiêm trọng.
Thậm chí, trước cổng Trường tiểu học Chu Văn An không còn nhận ra đâu là lòng đường dành cho người tham gia giao thông vào giờ tan học...
Theo đó, tình trạng phụ huynh đưa, đón học sinh bằng xe cá nhân trong cùng một thời điểm, dừng, đỗ tùy tiện, mạnh ai nấy đi cũng gây cản trở giao thông.
Mặc dù ngày nào cũng có lực lượng chức năng đứng giữa lòng đường hướng dẫn các phương tiện đi theo hàng lối, hạn chế ùn tắc từ xa, nhưng cũng chỉ như "muối bỏ biển".
Tình trạng này diễn ra hằng ngày, khiến người tham gia giao thông qua các khu vực này đều bức xúc.
Anh Mai Tuấn Anh, người dân sống tại phố Thụy Khuê cho biết: Ngày nào tôi cũng đi làm và đưa con đi học qua đoạn nút giao thông nêu trên, đến giờ cao điểm đoạn này thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Có hôm ùn tắc kéo dài khoảng 1km trong hàng giờ liền. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức kém của người dân, ai cũng muốn nhanh cho nên không ngại lấn sang làn đường phía bên kia, thêm nữa một phần cũng do các cơ quan chức năng chưa tìm được hướng khắc phục.
Ông Lê Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết: Do lòng đường nhỏ, khoảng 1km thì có đến năm trường học và ba chung cư, giờ cao điểm buổi sáng và chiều lưu lượng xe tham gia giao thông lớn, cộng thêm học sinh tan học cũng là nguyên nhân chính xảy ra ùn tắc. Mặc dù hằng ngày lực lượng chức năng bố trí từ năm đến sáu cán bộ, chiến sĩ ứng trực để phân luồng, nhưng cũng chỉ giảm được phần nào. Chúng tôi đề xuất cho phép ô-tô đi một chiều từ đoạn Văn Cao đến đường Thanh Niên. Trước mắt, đề nghị lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông hỗ trợ thêm với lực lượng chức năng phường phân làn, phân luồng lúc giờ cao điểm. Hoặc mở rộng thêm đường Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám và cắm lại một số biển báo ở ngõ 128 và 152 cho hợp lý hơn.
Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ (Hà Nội) Đặng Việt Hà cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo với lãnh đạo UBND quận Tây Hồ để có giải pháp giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, đề xuất một số phương án khắc phục. Bên cạnh đó, đề nghị tăng cường lực lượng đứng ở ngã ba, ngã tư, trước cổng trường học điều tiết giao thông.
Theo một cán bộ Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cho biết, việc ùn ứ tại các điểm trường học là việc khó tránh khỏi khi đến trường và tan học. Tuy nhiên, ngành giao thông sẽ nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể tại các tuyến đường tập trung nhiều trường học và khu chung cư nhằm xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, trước mắt chính quyền địa phương cần thực hiện triệt để các giải pháp đã đặt ra, bố trí lực lượng phân luồng giao thông hợp lý và tuyên truyền cho phụ huynh cần tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng chức năng để cùng tạo dựng văn hóa giao thông nơi cổng trường, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, vừa giáo dục ý thức học sinh tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, vừa giảm ùn tắc từ xa.