Lá chắn bảo vệ các đại dương

Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết về Hiệp định bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), theo đó ấn định thời điểm mở ký hiệp định vào tháng 9 tới. Trong bối cảnh "sức khỏe" của nhiều đại dương bị đe dọa nghiêm trọng, BBNJ được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức sống cho các đại dương trên Trái đất.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnam.vnanet.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnam.vnanet.vn)

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc hoan nghênh việc Hiệp định BBNJ chính thức được thông qua vào tháng 6 vừa qua, đánh một dấu mốc quan trọng khi chính thức khép lại quá trình đàm phán đầy cam go kéo dài gần hai thập niên.

Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các nước xem xét sớm ký kết, phê chuẩn để hiệp định nhanh chóng có hiệu lực, đồng thời quyết định bổ sung đề mục về BBNJ vào chương trình nghị sự hằng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hiệp định được mở ký trong vòng hai năm tính từ ngày 20/9 tới và sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi có 60 nước gia nhập/phê chuẩn.

Được xem là thắng lợi của nỗ lực ngoại giao và chủ nghĩa đa phương, Hiệp định BBNJ ra đời với mục tiêu tạo cơ sở và động lực cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia. Vùng biển quốc tế bao phủ gần 50% bề mặt Trái đất và hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới. Đây là nơi tạo ra lượng lớn khí oxy mà con người hít thở hằng ngày, đồng thời giúp hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách hấp thu khí thải CO2.

Ngoài ra, biển cả còn là ngôi nhà của các khu vực đa dạng sinh học. Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Lancet, một nhóm nhà khoa học đã nhấn mạnh, các đại dương, từ vùng nước ven biển đến vùng biển cả và vùng đáy biển sâu, là không thể thiếu đối với sức khỏe và sự sống còn của con người.

Tuy nhiên, do vùng biển quốc tế là khu vực không thuộc quyền tài phán của quốc gia nên thời gian qua, không có cơ quan hay tổ chức nào chịu trách nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ quản lý "kho báu" quan trọng song dễ bị tổn thương này. Việc bảo vệ các vùng biển quốc tế cũng vì thế mà từ lâu đã bị bỏ qua. Thực trạng đáng lo ngại nêu trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải có một khuôn khổ pháp lý nhằm mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Hiệp định BBNJ được xem là một bước tiến quan trọng trên hành trình bảo vệ đại dương. Nhấn mạnh sự kiện thông qua BBNJ là một kỳ tích, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi (X.Cô-rô-xi) cho rằng, các nước đã cùng nhau đặt nền móng cho việc quản lý tốt hơn và bảo vệ các đại dương cho thế hệ mai sau.

Hiệp định không chỉ thiết lập khuôn khổ, phương thức chia sẻ công bằng lợi ích từ biển cả, mà còn có các quy định về biện pháp phân vùng bảo tồn biển, cũng như đánh giá, phòng ngừa tác động tiêu cực mà các hoạt động khai thác, nghiên cứu gây ra đối với đa dạng sinh học biển.

Hiệp định đồng thời thành lập và vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính… Văn kiện cũng được coi là một bước tiến trong nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, được các nước thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra cuối năm 2022.

Các chuyên gia nhận định, việc các nước sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định BBNJ là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với các đại dương. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, các đại dương trên thế giới đang ngày càng đối mặt nhiều mối đe dọa nghiêm trọng như biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng lên, ô nhiễm, khai thác quá mức, biến đổi hệ sinh thái biển.

Theo đó, năm 2021, hơn 17 triệu tấn nhựa bị trút xuống các đại dương. Con số này có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần vào năm 2040. Bên cạnh đó, tình trạng axit hóa đại dương và nhiệt độ tăng cao đang đe dọa các loài sinh vật cũng như hệ sinh thái biển. Giới khoa học cho biết, nhiệt độ bề mặt đại dương liên tục chạm mốc cao kỷ lục.

Mới đây, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ cho biết, sau khi Địa Trung Hải ghi nhận mức cao kỷ lục mới về nhiệt độ, khu vực Bắc Đại Tây Dương cũng đã đạt đến mức nóng chưa từng có, sớm hơn vài tuần so với thời điểm thường ghi nhận mức nhiệt cao nhất hằng năm tại đây.

Những nguy hiểm cận kề đối với đại dương là lời cảnh tỉnh và thúc giục các quốc gia, tổ chức quốc tế nhanh chóng hành động. Giới chuyên gia khẳng định, việc các nước sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định BBNJ sẽ giúp thế giới xây dựng thêm một lá chắn để cùng nhau bảo vệ biển cả - tài sản chung quý giá của nhân loại.