Thỏa thuận lịch sử về bảo tồn biển

Hội nghị liên chính phủ của LHQ về đa dạng sinh học biển vừa chính thức thông qua Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Sự ra đời của BBNJ được xem là thắng lợi lịch sử tiếp nối Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong xây dựng và thực thi trật tự pháp lý trên biển.
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp định BBNJ được xem là cơ chế hữu hiệu bảo vệ biển và các loại sinh vật. Ảnh: GETTY IMGAES
Hiệp định BBNJ được xem là cơ chế hữu hiệu bảo vệ biển và các loại sinh vật. Ảnh: GETTY IMGAES

Dấu mốc mới về luật biển quốc tế

UNCLOS, văn kiện được xem là Hiến pháp của biển và đại dương, đã đặt ra các quy định về quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá và tự do nghiên cứu khoa học trên biển ở các khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế... Tuy nhiên, UNCLOS không có điều khoản nào đề cập cụ thể tới việc tiếp cận, sử dụng và chia sẻ lợi ích từ các nguồn đa dạng sinh học biển nằm ngoài những vùng thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như chưa có cơ chế điều phối, kiểm soát các hoạt động trên biển nhằm bảo vệ các nguồn gien khỏi sự suy giảm, cạn kiệt.

Trong khi đó, đa dạng sinh học tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia hiện nay đang đứng trước nhiều rủi ro. Các khu vực biển cả, nơi không thuộc về quyền tài phán của quốc gia nào, có những loài sinh vật đặc biệt và chỉ sống ở vùng nước sâu hoặc xa bờ, đem lại những giá trị to lớn về đa dạng sinh học và cả về kinh tế, đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Sự cạnh tranh nhằm khai thác các giá trị từ các vùng ngoài quyền tài phán quốc gia ngày một gia tăng để theo đuổi những lợi ích kinh tế to lớn mà nguồn gien biển mang lại. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có các nước phát triển và các công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học tiên tiến, với nguồn tài chính dồi dào mới có khả năng thu thập nguồn gien biển và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận.

Hiệp định BBNJ, còn gọi là Hiệp định về biển cả, được thông qua ngày 19/6 tại khóa họp thứ 5 của Hội nghị liên chính phủ về đa dạng sinh học biển, cụ thể hóa và phát triển UNCLOS trong khía cạnh bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vùng ngoài quyền tài phán quốc gia. Đây là hiệp định thứ ba nhằm thực thi UNCLOS, sau hiệp định về đàn cá di cư và văn kiện nhằm thực thi phần XI của Công ước LHQ về Luật Biển.

Theo trang UN News của LHQ, Hiệp định BBNJ gồm 17 chương, với nội dung chính xoay quanh các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế hiện nay, như chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển, thiết lập vùng bảo tồn biển, đánh giá tác động môi trường, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ… Hiệp định về biển cả cũng thiết lập cơ chế ra quyết định của hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập và vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, xây dựng cơ chế tài chính...

Hiệp định BBNJ tạo ra khuôn khổ và phương thức để các quốc gia thành viên chia sẻ lợi ích với nhau, giúp cho các nước, nhất là các nước đang phát triển, có thể nhận được lợi ích công bằng hơn từ các nguồn gien biển. Ngoài những lợi ích kinh tế, các nước đang phát triển cũng sẽ có thêm cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học biển, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ…

Hiệp định về biển cả đặt ra các quy định về biện pháp phân vùng bảo tồn biển, nhằm cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng bền vững những khu vực cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá tác động môi trường cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng giữa nhu cầu nghiên cứu khoa học và mục tiêu phòng ngừa tác hại do các hoạt động trên biển cả gây ra đối với đa dạng sinh học biển.

Góp phần củng cố chủ nghĩa đa phương

Chủ tịch Hội nghị liên chính phủ về đa dạng sinh học biển tại các vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, bà Reena Lee cho biết, việc xây dựng Hiệp định về biển cả là “một công cuộc to lớn” và “có ý nghĩa sống còn”. Nếu tính cả các hoạt động trù bị cho Hội nghị liên chính phủ và hoạt động vận động trong Đại hội đồng LHQ, quá trình này kéo dài gần 20 năm.

Sự ra đời của BBNJ sẽ củng cố hơn nữa bản Hiến pháp về đại dương là UNCLOS, góp phần củng cố chủ nghĩa đa phương và là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế, góp phần thực hiện Thập niên LHQ về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững và thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chỉ ra thực trạng đáng lo ngại, khi đa dạng sinh học biển đang phải hứng chịu những tác động từ việc đánh bắt và khai thác thủy hải sản quá mức. Các vùng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hóa chất, nhựa và rác thải của con người. Biến đổi khí hậu khiến Trái đất nóng dần lên, làm phá vỡ các dòng hải lưu, thay đổi hệ sinh thái, phá hủy môi trường sống của các loài ở biển.

Nhấn mạnh đại dương là nguồn sống của hành tinh, Tổng Thư ký LHQ khẳng định, Hiệp định về biển cả là thành tựu lịch sử, góp phần quan trọng giải quyết các mối đe dọa, bảo đảm tính bền vững của những khu vực không thuộc quyền tài phán của các quốc gia, khu vực vốn chiếm hơn hai phần ba đại dương trên Trái đất. Sau gần hai thập niên nỗ lực, việc thông qua thỏa thuận thể hiện sức mạnh của chủ nghĩa đa phương, dựa trên di sản của UNCLOS năm 1982. Các nước nhất trí thông qua hiệp định đã chứng minh rằng các mối đe dọa vượt ngoài biên giới quốc gia cần tới sự kết hợp, thống nhất, vì lợi ích chung của nhân loại.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Kőrösi, các quốc gia thành viên đã cùng nhìn nhận ra thách thức chung, cùng nhau vượt qua sự khác biệt, hướng đến các giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ cũng cho rằng, sự ra đời của Hiệp định về biển cả đã chứng tỏ được sức mạnh của chủ nghĩa đa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh vai trò của Hiệp định về biển cả, cho rằng văn kiện này tượng trưng cho một chiến thắng nữa của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương khi được thông qua vào thời điểm thế giới chứa đựng nhiều vấn đề bất ổn. Thỏa thuận đạt được là một minh chứng về những gì các thành viên LHQ có thể đạt được khi hợp tác cùng nhau.

Bộ trưởng Ngoại giao Maldives Abdulla Shahid hoan nghênh cột mốc quan trọng trong nỗ lực tập thể để bảo vệ và quản lý bền vững tài nguyên biển vô giá tồn tại ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren cho biết, Chile sẵn sàng tham gia vào Ban Thư ký của Hiệp định BBNJ với tinh thần xây dựng cao nhất, nhằm cùng thế giới đạt những tiến bộ lớn hơn nữa để bảo vệ đại dương.

Nếu có đủ 60 nước gia nhập, phê chuẩn, phê duyệt hoặc chấp thuận, Hiệp định BBNJ sẽ chính thức có hiệu lực. Trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Tổng Thư ký LHQ sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên của hội nghị các nước thành viên của văn kiện này.

Dự kiến, trong cuộc họp đầu tiên của hội nghị các thành viên Hiệp định về biển cả, các bên sẽ thảo luận và quyết định nhiều công việc quan trọng, như thông qua các quy tắc về vận hành của hội nghị thành viên, cũng như các cơ quan được thành lập theo hiệp định, quyết định tỷ lệ đóng góp thường niên của các nước phát triển cho quỹ đặc biệt được thành lập theo Hiệp định… Để chuẩn bị cho sự kiện này, Đại hội đồng LHQ có thể sẽ sớm thông qua một nghị quyết thành lập Ban Thư ký của Hiệp định và thu xếp các công việc chuẩn bị cho hội nghị thành viên ngay cả trước khi Hiệp định có hiệu lực.