Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có hơn 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Trong đó, nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn; gần 4% số công nhân lao động ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan, với giá thuê khoảng 1,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng, chiếm 25%-30% thu nhập của công nhân lao động.
Cũng theo báo cáo của tổ chức Công đoàn Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích hơn 3,1 triệu mét vuông. Con số này chỉ mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.
Trước thực trạng bức xúc về nhà ở của công nhân, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án, đã xuất hiện những hạn chế do thiếu nguồn vốn, thiếu quỹ đất, thủ tục hành chính kéo dài làm ảnh hưởng mục tiêu và tiến độ triển khai. Đến nay, mới chỉ có duy nhất Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) là dự án đầu tiên được hoàn thành trên cả nước theo Đề án.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/7/2025. Trong đó, tại Khoản 2, Điều 31 quy định một trong những nhiệm vụ tài chính công đoàn được sử dụng là: Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê; công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động theo quy định của pháp luật.
Đây là nhiệm vụ mà tài chính công đoàn được sử dụng được bổ sung trong Luật Công đoàn (sửa đổi) so với Luật Công đoàn 2012. Cũng theo quy định tại Điều 21 của Luật, đoàn viên công đoàn được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Điều 76, Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định rõ: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp. Đồng thời, tại Khoản 4, Điều 80 quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Có thể thấy, quy định tại hai luật nêu trên là cơ sở pháp lý để tháo gỡ các nút thắt trong nhà ở cho công nhân, lao động, bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức công đoàn.
Các chuyên gia lao động-công đoàn đánh giá: Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội là quyết định nhân văn. Đây không chỉ là vấn đề an sinh xã hội, kinh tế, thúc đẩy đoàn viên, người lao động yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, tạo nguồn lực lao động ổn định, tốt hơn so với những địa phương không có nhà ở xã hội, mà còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn.
Đối với đoàn viên, người lao động, trước tín hiệu vui này, họ kỳ vọng vào tổ chức đại diện quyền và lợi ích của mình, vốn thường xuyên nắm bắt nhu cầu và điều kiện sống của người lao động, sẽ tạo điều kiện cho họ có cơ hội được thuê một nơi ở khang trang, bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu, an ninh, an toàn với giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính.
Một mùa Xuân nữa lại đang về, từ cấp Trung ương đến cơ sở, những cán bộ công đoàn trên khắp mọi miền Tổ quốc đang nỗ lực hỗ trợ đoàn viên, người lao động có Tết sum vầy, ấm áp, bằng những hoạt động chăm lo thiết thực. Hằng năm, hàng nghìn Mái ấm Công đoàn được trao tặng mới, giúp hàng nghìn gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn đón Tết trong căn nhà mới.
Việc Tổng Liên đoàn Lao động được đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên, người lao động thuê, tiếp tục là những niềm vui mới, hy vọng mới, khi trong thời gian không xa, sẽ có thêm hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân, lao động được đón cái Tết yên ấm, an vui trong ngôi nhà được đến từ những quyết sách đầy tính nhân văn.