Kỳ vọng từ cam kết mạnh mẽ của các nước G7

Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) vừa cam kết gia tăng nỗ lực cắt giảm khí thải và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển. Các nước nghèo vật lộn với khó khăn và cần các nguồn tài chính và giải pháp để cân bằng giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế. Cam kết của các nước giàu được kỳ vọng giúp tạo bước tiến mới trong thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông nước Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa: Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông nước Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp bên lề hội nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington (Mỹ), các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 đã tái khẳng định cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các quan chức G7 bày tỏ quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, qua đó giúp củng cố an ninh năng lượng.

Ngoài ra, G7 cũng cam kết đạt tiến bộ đáng kể để hiện thực hóa các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập tháng 11 tới. Theo đó, các nước giàu duy trì cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu.

Cam kết của các nước phát triển được đưa ra từ năm 2009 về việc phân bổ 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, tuy nhiên đã không được thực hiện một cách đầy đủ. Ngay cả trường hợp được giải ngân đầy đủ, thì số tiền nêu trên cũng chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu của các quốc gia. Năm 2021, nhóm nước giàu lại hứa tăng tài trợ cho các chương trình thích ứng khí hậu, song vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các nước đang phát triển.

Cam kết của các nước phát triển được đưa ra từ năm 2009 về việc phân bổ 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, tuy nhiên đã không được thực hiện một cách đầy đủ.

Khi kinh tế toàn cầu có nguy cơ gây ảnh hưởng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển đã phát đi thông điệp chung cần có thêm các nguồn quỹ, nguồn lực tài chính để chống biến đổi khí hậu. Việc nước nghèo tiếp cận các nguồn tài chính cần phải được đơn giản hóa.

Các quốc gia phát triển cần đưa ra một lộ trình rõ ràng nhằm khởi động việc phân bổ các gói tài chính đã cam kết tài trợ. Trong khi đó, vấn đề tài trợ cho các nước khắc phục thiệt hại liên quan khí hậu là một trong những điểm quan trọng sẽ được ưu tiên thảo luận tại COP27.

Ai Cập, nước chủ nhà COP27, cam kết nỗ lực thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển, cũng như nhu cầu tài chính để thích ứng tác động của biến đổi khí hậu. Các định chế tài chính quốc tế cho biết sẽ dành ưu tiên tài trợ cho các dự án giảm phát thải ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, và giúp các nước tăng cường khả năng tiếp cận thị trường carbon quốc tế.

Ba lĩnh vực được WB ưu tiên tài trợ hiện nay gồm các giải pháp khí hậu tự nhiên dựa trên nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và đại dương; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững như năng lượng và giao thông; các giải pháp tài chính và tài khóa, huy động trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn lực cho các hành động vì khí hậu. Trong tài khóa 2022 (kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua), WB đã cung cấp hơn 30 tỷ USD cho các hoạt động tài chính liên quan khí hậu.

WB thông báo sẽ thành lập quỹ tín thác mới, mang tên Quỹ Hành động khí hậu để giảm phát thải (SCALE), tập hợp các quỹ công tài trợ cho những dự án giảm phát thải carbon, trong đó có việc ngừng vận hành các nhà máy nhiệt điện.

Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi hiện nay 80% nguồn tài chính là từ ngân sách quốc gia, một vấn đề rất khó khăn với các nước đang phát triển. Việc G7 cùng các tổ chức tài chính đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn được kỳ vọng đem lại động lực tích cực mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đầy cam go.