Theo đó, mối quan hệ đối tác này sẽ chính thức ra mắt ngày 2/11 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland.
Methane là chất khí chính thứ 2 gây hiệu ứng nhà kính chỉ sau khí CO2. Khí methane có khả năng giữ nhiệt tỏa ra từ Mặt trời cao hơn CO2 nhưng thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn. Điều này có nghĩa là cắt giảm phát thải methane có thể tác động nhanh chóng tới việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.
“Cam kết methane toàn cầu” - được công bố lần đầu tiên hồi tháng 9 - hiện quy tụ một nửa trong trong số 30 quốc gia phát thải khí methane hàng đầu, chiếm 2/3 tổng sản lượng kinh tế thế giới.
Dự kiến, Brazil - một trong 5 nước phát thải methane lớn nhất thế giới - sẽ cùng một số quốc gia khác ký kết tham gia hiệp ước này tại lễ công bố ngày hôm nay. Tuy nhiên, 3 quốc gia cũng trong Top 5 gồm Trung Quốc, Nga và Ấn Độ quyết định không tham gia.
Kể từ sau khi công bố sáng kiến này lần đầu vào tháng 9/2021, Mỹ và EU đã tiến hành những nỗ lực ngoại giao để huy động sự tham gia của các quốc gia phát thải khí methane lớn nhất thế giới. Trong tuần vừa qua, đã có gần 60 nước đăng ký tham gia.
Mặc dù không nằm trong các cuộc đàm phán chính thức của Liên hợp quốc, nhưng cam kết về khí methane có thể được xếp hạng trong số các kết quả quan trọng nhất từ hội nghị COP26, do tác động tiềm tàng của nó trong việc ngăn chặn những hậu quả thảm khốc do biến đổi khí hậu gây ra.
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 5 cho biết, nỗ lực cắt giảm mạnh lượng phát thải khí methane trong thập kỷ này có thể giúp Trái đất tránh được nóng lên gần 0,3oC vào những năm 2040. Trong khi đó, nếu thất bại trong việc kiểm soát phát thải methane, mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015 sẽ vượt ra khỏi tầm với.
Các bên tham gia “Cam kết methane toàn cầu” sẽ cùng hành động nhằm cắt giảm 30% lượng phát thải methane trên tất cả các lĩnh vực. Các nguồn phát thải methane chính bao gồm cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ, các mỏ than cũ, nông nghiệp và các bãi chôn lấp rác thải.
Nếu đạt được mục tiêu trên, đây sẽ là cam kết có tác động lớn nhất đến ngành công nghiệp năng lượng, bởi các nhà phân tích cho rằng sửa chữa cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ là cách nhanh nhất và rẻ nhất để kiểm soát phát thải khí methane.
Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, trong khi EU là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất. Dự kiến tuần này, Mỹ sẽ ban hành các quy định về khí methane trong lĩnh vực dầu khí. Trong khi đó, EU và Canada cũng đang lên kế hoạch công bố luật về khí thải methane trong ngành năng lượng vào cuối năm nay.