Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

NDO - Dưới mái hiên nhà, ông Đặng Đình Được, người đã có tròn hai thập niên trông coi Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh say sưa kể về chuyến thăm quê đầu tiên của người con kiệt xuất sinh ra từ mảnh đất Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên).
Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Văn Linh chụp ảnh cùng người thân, họ hàng tại xã Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên). Ông Đặng Đình Được (thứ nhất, hàng cuối từ bên phải qua) đang trông coi, chăm sóc Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ông Được bảo: Qua sáu lần về thăm Hưng Yên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại cho nhân dân những bài học giản dị mà sâu sắc về đạo đức người đảng viên, người làm cách mạng.

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 2

CÂY ĐA, MÁI ĐÌNH VÀ NGƯỜI BẠN THUỞ THIẾU THỜI

Chúng tôi tìm về Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong những ngày tháng 4. Con đường dẫn vào thôn Yên Phú, xã Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên) được trải bê-tông phẳng lì. Hai bên đường, những dãy nhà ngăn nắp, khang trang san sát nhau.

Đón chúng tôi từ cổng, ông Đặng Đình Được, người được giao nhiệm vụ trông coi, chăm sóc Khu tưởng niệm khấp khởi nụ cười. Ít người biết, ông Được là bà con bên ngoại với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; đồng thời cũng đã có tròn 20 năm gắn liền với di tích cấp quốc gia này.

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 3

Ông Đặng Đình Được đã 20 năm trông coi, chăm sóc Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu, ông Được cười lành lẽ kể: Mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rời xa Giai Phạm từ nhỏ, nhưng mỗi khi có dịp, đồng chí lại dành thời gian ghé thăm quê hương và để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng nhân dân địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915 tại thôn Yên Phú trong một gia đình công chức nghèo. Mặc dù xa quê hương từ thiếu thời, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất Giai Phạm. Ngưng lại một chút, ông Được khẽ nhăn trán nhớ lại: “Tôi nhớ, lần đầu tiên đồng chí về thăm quê là vào năm 1967, khi ấy tôi hơn 30 tuổi”.

Là anh em họ gần, nhưng khi ấy, ông Được chỉ biết “bác Linh” đang công tác tại Trung ương Cục miền nam và sẽ ghé qua Giai Phạm để tìm gặp lại người thân và bạn bè.

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 4

Toàn cảnh khu Tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại xã Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên)

“Từ Ủy ban nhân dân xã cũ, bác đi đến đầu làng thì thấy mái đình cũ. Bác thốt lên: ‘Đình làng tôi đây rồi’. Đi thêm một đoạn, bác chỉ vào một miếng đất rồi bảo: 'Nhà tôi đây rồi'. Tất cả những người có mặt đều bồi hồi, xúc động”, ông Được kể.

Trong khoảnh khắc ấy, cây đa, mái đình, mảnh đất cũ sát ao ven đường… trở thành chỉ dấu thân quen cho đồng chí nhận ra quê hương, làng mạc. Nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa, đồng chí cho biết: Hồi còn thơ bé, đồng chí có người bạn rất thân tên là Thính. Nghe chuyện, mọi người trong đoàn mời cụ Thính, lúc ấy đã hơn 50 tuổi ra gặp.

“Ban đầu, cụ Thính không nhận ra. Nhưng khi bác Linh nhắc lại chuyện đánh đinh, đánh đáo ngày nào, cụ Thính đã nhớ được người bạn tên Cúc năm nào. Cả hai ôm chầm lấy nhau sau gần 50 năm xa cách”, người trông coi khu di tích hào hứng kể.

Với ông Được, “bác Linh” là cách gọi thân thương rất gần gũi và giản dị. Ông Được không thể quên câu nói ân cần và chí tình của bác lần về thăm quê sau ngày thống nhất non sông: “Đất nước bây giờ đã hoàn toàn thống nhất rồi. Điều cần làm là phải làm sao cho nhân dân có cơm no, áo ấm”.

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 5

NHỮNG BÀI HỌC GIẢN DỊ TỪ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH

Tiếp mạch chuyện, ông Được kể tiếp: “Tôi nhớ có lần đồng chí Nguyễn Văn Linh về thăm quê, con cháu họ hàng quây quần chung quanh, bày tỏ mong muốn được bác tạo điều kiện cho làm việc ở chỗ này, chỗ kia”.

Sau khi hỏi cặn kẽ từng cháu học trường gì, có trình độ gì, đồng chí ôn tồn phân tích, động viên, đại ý là: "Các cháu ham học, ham làm là tốt. Cháu nào chưa học xong thì học tiếp, học cả kiến thức và học nghề. Các cháu nên chọn công việc cho đúng sức của mình. Bác có khả năng giúp các cháu làm việc mình muốn, nhưng nếu giúp các cháu vào những vị trí không phù hợp thì vừa làm hại các cháu, vừa làm hại việc chung".

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 6

Ông Được bên bộ ấm chén được Tổng Bí thư tặng trong một lần về thăm quê hương. Năm 2004, sau khi Khu tưởng niệm được xây dựng xong, ông Được đã tặng lại kỷ vật này cho di tích.

Trong suốt những năm tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn có thêm 5 lần về thăm tỉnh Hưng Yên, trong đó 3 lần ghé qua xã Giai Phạm vào các năm 1987, 1994 và 1996.

Theo ông Được, trong tất cả các lần về thăm, làm việc với xã, đồng chí đều dành nhiều thời gian gặp gỡ, đến thăm hỏi bà con hàng xóm, cán bộ, xã viên hợp tác xã, hộ nông dân, gia đình chính sách… lắng nghe ý kiến mọi người về việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí ân cần thăm hỏi sức khỏe từng người, động viên sự phát triển đi lên của địa phương, khen ngợi thành tích học tập của các cháu học sinh... Sự quan tâm sâu sắc đó đã để lại trong ký ức của cán bộ và người dân Hưng Yên về đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn gần gũi, đôn hậu, cởi mở với những tình cảm vô cùng sâu sắc.

Năm 1987, trong lần về thăm quê hương, sau khi nghe lãnh đạo xã Giai Phạm báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của xã và đời sống nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã căn dặn Đảng ủy và chính quyền xã Giai Phạm: "Việc gì thấy có lợi cho dân thì các đồng chí phải hết sức làm".

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 8

Đồng chí lưu ý, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho nông dân; tập trung sức xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm...

Lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trở thành kim chỉ nam để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đoàn kết, khắc phục khó khăn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 9

Với ông Được, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại những bài học giản dị mà sâu sắc.

“Công việc của bác rất bận. Nhiều lần, gia đình chúng tôi mời bác ghé qua dùng bữa cơm; hai bác đều cười và bảo: Nếu có dịp, hai bác chỉ xin bữa cơm cà, dưa muối. Nhưng mãi tới tận bây giờ, mong muốn giản đơn ấy vẫn chưa thành hiện thực”, ông Được cười giòn tan tiếp lời.

Suốt 20 năm gắn bó với Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Được cũng được chứng kiến tình cảm của nhân dân mọi miền đất nước dành cho đồng chí Mười Cúc (bí danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). Năm nào cũng vậy, cứ đến những dịp kỷ niệm lớn, Khu tưởng niệm lại đón thêm nhiều vị khách từ khắp nơi tới dâng hương.

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 10

Những đoàn khách tới dâng hương tại Khu tưởng niệm trong những ngày tháng 4.

Anh Trần Thành (Hà Nội), một khách trong đoàn tới thăm khu di tích chia sẻ: “Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng tôi đã được nghe nhiều chuyện kể về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh qua sách, báo. Hôm nay, khi được đến thăm khu lưu niệm thì càng thêm tự hào và biết ơn. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật quý báu về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ sau thực hiện sự nghiệp đổi mới và sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 11

Chúng tôi chia tay ông Được khi trời đã gần xế chiều nhưng mùi nhang thơm vẫn ngan ngát bay. Thêm một tháng 4 lịch sử lại về với quê hương Hưng Yên anh hùng.

back to top