Tháng 4/1952, sau khi có Chỉ thị của Trung ương Đảng “về vấn đề phục hồi vốn cổ dân tộc”, Thường vụ Khu ủy Khu V quyết định thành lập Đoàn tuồng Liên khu V làm đơn vị điển hình, nhằm phục hồi, phát triển ngành nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc.
Hai tháng sau, Đoàn đã ra mắt đêm diễn đầu tiên tại Hà Đông (một địa phương thuộc huyện Hoài Ân, Bình Định) với vở tuồng “Tam nữ đồ vương”, được khán giả hoan nghênh, nhiệt liệt hưởng ứng. Từ kết quả này, các nghệ sĩ trong Đoàn càng phấn khởi lên đường phục vụ, mở rộng địa bàn hoạt động, góp phần xây dựng cuộc sống mới, đồng thời cổ vũ nhân dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1954, tất cả những chiến sĩ-nghệ sĩ của Đoàn tuồng Liên khu V xuống tàu tập kết ra bắc, dừng chân tại Khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội). Hơn 21 năm hoạt động nghệ thuật trên miền bắc, Đoàn Tuồng Liên khu V đã đặt chân tới hầu khắp mọi nơi: từ địa đầu Móng Cái xa xôi đến tận giới tuyến Vĩnh Linh rực lửa.
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng (1975), Đoàn tuồng Liên khu V về lại nơi sinh thành, đứng chân tại Quy Nhơn, Bình Định, kết hợp với một số đơn vị khác, lập nên Đoàn tuồng Nghĩa Bình. Năm 1978, Đoàn Tuồng Nghĩa Bình được nâng cấp thành Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình. Năm 1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định đổi tên Nhà hát tuồng Nghĩa Bình thành Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Sau khi tiến hành hợp nhất, Đoàn tuồng Đào Tấn trong thời kỳ mới với nhiệm vụ là khai thác, phục hồi các vở tuồng truyền thống, xây dựng vở mới; tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật tuồng đến với công chúng, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Tuồng độc đáo của các bậc tiền nhân để lại.
Đối với Đoàn Ca kịch Bài chòi, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bình Định bước vào giai đoạn cam go, ác liệt; phải dốc hết tinh thần và lực lượng đấu tranh trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận văn hóa-văn nghệ, ngày 11/3/1962, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định với 14 thành viên tại làng Ka Tâng, thuộc xã Tu Kroong (nay là làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh).
Tháng 10/1962, Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định được Thường vụ Tỉnh ủy đổi tên thành “Đoàn văn công giải phóng Bình Định”. Từ đây, Đoàn dần trưởng thành về nhiều mặt để biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tuyên truyền, dân vận, góp phần động viên tinh thần đối với nhân dân ta đang bước vào cuộc Kháng chiến ngày càng khốc liệt.
Đến năm 1965, Đoàn Văn công giải phóng Bình Định thực hiện “xuống núi” để mang tiếng hát phục vụ đồng bào vùng mới giải phóng. Mỗi đêm biểu diễn của Đoàn luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bộ đội và nhân dân, góp phần động viên đồng bào, chiến sĩ, đả kích kẻ thù, ca ngợi những tấm gương đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Năm 1975, Đoàn văn công giải phóng tỉnh Bình Định hợp nhất với Đoàn văn công giải phóng tỉnh Quảng Ngãi và đổi tên thành Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình.
Sau năm 1975, 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi tiến hành hợp nhất. Đoàn văn công giải phóng tỉnh Bình Định và Đoàn văn công giải phóng tỉnh Quảng Ngãi cũng được hợp nhất thành Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình. Cuối năm 1976, Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình được chia thành 2 đoàn: Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình và Đoàn ca múa nhạc Nghĩa Bình. Đến năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình được tách thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Đoàn ca múa nhạc Nghĩa Bình trở về với tỉnh Quảng Ngãi còn Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình đóng trụ sở tại Bình Định và đổi tên thành Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh Bình Định có quyết định hợp nhất Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định và đổi tên thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định. Nhà hát chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/4/2020.
Một số tiết mục biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định. |
Theo ông Văn Bá Dũng - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, những năm gần đây, nhà hát này chủ động khai thác, phục hồi, nâng cao nhiều vở tuồng, bài chòi để phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định cũng dàn dựng nhiều tiết mục để biểu diễn phục vụ tại các hội nghị, hội thảo hoặc phục vụ yêu cầu của du khách. Nhà hát sẽ tiếp tục nỗ lực để xứng đáng với truyền thống, vị trí, tầm cỡ của một Nhà hát quốc gia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.