Những người giữ gìn di sản truyền thống

Kỳ 2: Chung tay cho lời ca, điệu hát vươn xa

NDO - Để di sản văn hóa Hà Nam lan tỏa trong đời sống, ngoài sự nhiệt tình tiếp lửa của các nghệ nhân, nghệ sĩ, cũng rất cần nhiệt huyết của người “nhận lửa”. Chính các thế hệ người dân, với lòng yêu nghệ thuật truyền thống đã chung tay gìn giữ, tạo điều kiện cho người thân, con cháu học tập, tiếp bước người đi trước, giữ di sản nghệ thuật truyền thống tồn tại trong dòng chảy cuộc sống. Nhờ đó, đến nay Hà Nam đã có 12 di sản được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Hát trống quân trên thuyền ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Hát trống quân trên thuyền ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Bồi đắp cho vùng đất thêm giàu có di sản

Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nam là mảnh đất sản sinh ra nhiều tên tuổi vang danh trong giếng chèo như: Dịu Hương, Bạch Trà, Ngọc Viễn, Lê Huệ, Duy Cổn, Lương Duyên...

Qua thời gian và sự đổi thay của đời sống, nhiều di sản văn hóa phi vật thể dần mai một. Mừng thay, trong đời sống vẫn còn không ít người nặng lòng với vốn văn hóa dân gian cổ truyền, ngày đêm miệt mài sưu tầm, phục hồi, truyền lại những giá trị truyền thống, xưa cũ cho thế hệ hôm nay và cả mai sau.

Còn nhớ, năm 1997, tỉnh Hà Nam được tái lập, cùng đó Đoàn nghệ thuật chèo của Hà Nam được thành lập. Khi ấy, cả Đoàn chỉ có gần 20 diễn viên, nhạc công được hợp nhất từ các loại hình gồm: chèo, cải lương, ca múa, kịch.

Trải qua thời gian xây dựng và phát triển từ Đoàn nghệ thuật chèo cho đến Nhà hát chèo rồi sát nhập với Trung Tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nam là chặng đường mà các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Đoàn nghệ thuật chèo Hà Nam luôn nỗ lực phấn đấu để giữ lửa cho những làn điệu chèo truyền thống được ngân vang.

Cùng với đóng góp của nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, hiện nay khắp các làng quê Hà Nam đều có những chiếu chèo truyền thống. Tại 6 huyện, thị, thành phố có hàng chục câu lạc bộ chèo sôi nổi hoạt động, thu hút đông đảo người dân ở đủ mọi tầng lớp tham gia.

Không ít câu lạc bộ trở thành điểm sáng của phong trào văn nghệ quần chúng như: câu lạc bộ chèo xã Hợp Lý, chèo xã Đức Lý, chèo xã Xuân Khê (huyện Lý Nhân); câu lạc bộ chèo Ngò, xã Tiên Nội, câu lạc bộ chèo xã Duy Minh (thị xã Duy Tiên); câu lạc bộ chèo làng Tháp, câu lạc bộ chèo Châu Giang, thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm); câu lạc bộ chèo xã Liên Sơn (huyện Kim Bảng)…

Kỳ 2: Chung tay cho lời ca, điệu hát vươn xa ảnh 1

Ông Nguyễn Đình Lâu (giữa) nói về tiếng vang của trống sành.

Qua tìm hiểu, các câu lạc bộ này đều được thành lập từ những hạt nhân tiêu biểu, những người yêu văn nghệ truyền thống ở các làng quê. Họ là những nông dân, công nhân không được học chèo theo trường lớp chuyên, nhưng cùng chung niềm đam mê và yêu thích những làn điệu chèo truyền thống. Tuy nhiều khó khăn, vất vả nhưng ai cũng hứng khởi vì được chung tay giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống quê hương.

Khi tuổi trẻ chung tay

Trở lại thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng để thấy người dân nơi đây đặc biệt yêu chèo. Đó là điều có thể giúp chèo sống bền bỉ, thậm chí thanh niên ngày nay cũng có thể hát say sưa.

Hiện câu lạc bộ chèo Lê Hồ có 20 thành viên, trong đó con trai và con gái ông Hởi là anh Hoàng Minh Phúc và chị Hoàng Thị Uyên. Từ lâu họ đã trở thành những diễn viên chính không thể thiếu của câu lạc bộ chèo Lê Hồ.

Cháu nội nghệ nhân Hoàng Văn Hởi, con gái anh Phúc hiện đang học đại học, cũng giỏi chèo và được kỳ vọng sau này sẽ là thế hệ tiếp nối truyền thống của đất chèo Lê Hồ.

Anh Hoàng Văn Phúc, chia sẻ: “Các thành viên trong câu lạc bộ chèo luôn được bố tôi động viên, khích lệ. Mỗi người đảm nhiệm một vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Người biết nhạc lý nhận vai làm nhạc công, người biết hát là diễn viên, ai có năng khiếu, sở trường về múa được phân công làm diễn viên múa. Vì coi nhau như người trong gia đình, nên mỗi khi tập luyện hay biểu diễn, việc góp ý, chỉnh sửa về điệu hát, cách diễn xuất được dễ dàng hơn. Mỗi thành viên đều biết tiếp thu, tự điều chỉnh và thay đổi mình để mỗi làn điệu chèo được cất lên, mỗi trích đoạn chèo được trình diễn sẽ thêm phần hấp dẫn”.

Đã thành nếp, cứ vào mỗi dịp cuối tuần, gia đình Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hởi lại cùng thanh niên làng, người yêu chèo quây quần bên chiếc trống, cây đàn để luyện tập các làn điệu chèo cổ của quê hương. Các thế hệ ông, con, cháu miệt mài truyền dạy, học cách nhả chữ, ngắt nhịp, luyến láy sao cho vang, rền, nền, nảy.

Những năm qua, ông Hởi đã truyền dạy cho gần 200 học trò, ông cũng là người viết hàng chục vở chèo mới, gây dựng phong trào hát chèo của tỉnh Hà Nam, đồng thời được mời làm đạo diễn nhiều chương trình văn nghệ ở địa phương.

Họ cứ say mê như thế, mang trọn trong tim tình yêu với hát chèo như thế và đã cùng với những thành viên câu lạc bộ chèo Lê Hồ nhận về không ít trái ngọt. Đó là Huy chương Bạc cho tác phẩm “Đất chuyển” tại Liên hoan hát chèo không chuyên toàn quốc, giải Ba với một tác phẩm về đề tài nông nghiệp, nông thôn trong Hội thi Liên minh hợp tác xã cụm miền bắc, hai giải Bạc cho hai tác phẩm “Mùa lúa ơn Bác” và “Hát mừng Đảng quang vinh tại Liên hoan các câu lạc bộ dân ca và chèo tỉnh Hà Nam.

Kỳ 2: Chung tay cho lời ca, điệu hát vươn xa ảnh 2

Tác giả và các bạn trẻ yêu mến, học hát dậm.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Sao, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Lê Hồ, chia sẻ: “Người dân chúng tôi gọi nghệ sĩ Hoàng Hởi là ‘đạo diễn nhà nông’. Suốt mấy chục năm gắn bó, vực dậy và nuôi dưỡng chiếu chèo quê hương. Giờ đã hơn 70 tuổi nhưng chưa khi nào người ‘đạo diễn nhà nông’ này ngơi nghỉ. Ông đau đáu làm sao sáng tác được những câu hát hay nhất, sống động nhất. Không những thế, ông còn dạy chèo cho con, cháu và hình thành một gia đình nghệ thuật. Cũng phải nói thêm, chúng tôi có một tổ hợp đầy đủ đạo diễn, diễn viên, biên kịch và nhạc công, trong đó nhiều người trẻ tuổi. Vì thế chúng tôi rất thường xuyên được mời đi biểu diễn”.

Còn với Thi Sơn (huyện Kim Bảng), nơi đây không chỉ có hát dậm. Nơi đây còn có những giọng ca chèo tuyệt vời. Hơn 10 năm qua, câu lạc bộ chèo sông Đáy Thi Sơn được thành lập, tiếp nối những giá trị của người đi trước, phát triển nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc.

Theo bà Đỗ Thị Hải Yến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Sông Đáy Thi Sơn, việc duy trì hoạt động của câu lạc bộ gặp khó khăn, nhưng câu lạc bộ luôn nhận được sự quan tâm, động viên, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của các nhà hảo tâm và đông đảo người dân, trong đó có nhiều bạn trẻ. Bà Yến cùng các thành viên luôn nỗ lực tập vở, giao lưu văn nghệ, đi biểu diễn ở nhiều vùng có chèo.

Bà Đinh Thị Huyên (trú tại thôn 3, xã Thi Sơn) rất vui mừng, phấn khởi, nhất là mỗi khi được cùng các thành viên đi biểu diễn giao lưu văn nghệ với các xã bạn. Bằng tình yêu, sự đam mê, bà Huyên đã cùng các thành viên câu lạc bộ đưa làn điệu chèo đến gần hơn với bà con, nhân dân.

Bà Huyên chia sẻ: “Tham gia câu lạc bộ hơn 2 năm, tôi thấy tinh thần sảng khoái, thoải mái hơn hẳn. Đặc biệt, tôi rất vui và nhớ mãi kỷ niệm về lần cùng câu lạc bộ tham gia dự hội thi Tiếng hát toàn tỉnh. Với vai diễn trong trích đoạn ‘Lý trưởng, mẹ Đốp’, tôi đoạt giải Nhì. Đây cũng là động lực để bản thân tôi tiếp tục tham gia cùng anh chị em bạn diễn cống hiến cho câu lạc bộ và phong trào văn nghệ quần chúng”.

Dù kinh phí hoạt động của câu lạc bộ phần lớn do các thành viên đóng góp, rất eo hẹp, nhưng mỗi khi lên sân khấu biểu diễn, nhận được sự động viên, cổ vũ vô tư, nhiệt tình của bà con, các thành viên dường như quên hết những khó khăn, vất vả để hào hứng “hết mình” cho buổi diễn được thành công.

Thêm nhiều hoạt động sôi nổi

Các loại hình nghệ thuật khác như hát xẩm, chầu văn, lải lèn cũng được phát huy. Theo nhạc sĩ Phạm Trọng Lực, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tích cực có những sự hỗ trợ để giúp nghệ thuật truyền thống phát triển.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm” để Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nam thực hiện; đồng thời, sẽ mời các nghệ nhân, nghệ sĩ trong tỉnh và ngoài tỉnh cùng các thành viên trong Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hà Nam sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát Xẩm theo các làn điệu cổ truyền cho các diễn viên của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nam và các học sinh tiểu học ở các trường trên địa bàn.

Huyện Lý Nhân cũng tích cực khôi phục các điệu múa hát lải lèn ở làng Nội Chuối (nay là thôn Nội Đọ), xã Bắc Lý, cũng là những điệu hát múa thờ thần. Nếu căn cứ vào truyền thuyết thì múa hát Lải Lèn còn có trước múa hát Dậm Quyển Sơn khá lâu, vì múa hát Dậm Quyển Sơn hình thành từ thời Lý (1069) trong khi múa hát Lải Lèn bắt đầu từ thời Triệu Việt Vương. Đất Bắc Lý xưa kia từng là căn cứ địa của Triệu Việt Vương, khi lên ngôi (năm 548) ông có về thăm lại vùng đất này. Nhân dân mừng rỡ đón rước rất long trọng và múa hát Lải lèn bắt đầu từ đó.

Trong dòng chảy của cuộc sống, những làn điệu dân ca, điệu hát truyền thống luôn có sức sống lâu bền. Bởi những điệu hát đó làm sáng đẹp đời sống tinh thần của người dân, giúp bảo lưu những vốn văn hóa quý báu của đất nước. Các vùng quê may mắn vì có những nghệ nhân giàu tâm huyết với điệu hát truyền thống, luôn biết cách làm lan tỏa những điệu hát ấy vượt ra khỏi vùng quê mình.