Hoàn thiện những quy định trong quản lý di sản văn hóa

Sau hơn 20 năm thực thi, trước những thay đổi về kinh tế, xã hội, văn hóa và giao lưu văn hóa quốc tế thực tiễn đòi hỏi Luật Di sản văn hóa cần có những điều chỉnh cho phù hợp để công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa ngày càng tăng cường vai trò trong cuộc sống, thúc đẩy các nguồn lực phát huy hiệu quả cao nhất, đồng thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, phản văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Nina May)
Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Nina May)

Gần 20 năm kể từ khi phố cổ Hà Nội được công nhận là Di tích quốc gia, phố cổ lại không ngừng… cao lên. Việc xây mới, sửa chữa nhà cửa thường xuyên diễn ra. Với mật độ dân số khoảng 840 người/10.000 m2, việc chen chúc trong một không gian chật hẹp như vậy thì nhu cầu xây dựng, sửa chữa là tất yếu.

Nếu đem ra đối chiếu, Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc phố cổ Hà Nội lẫn Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A mặc dù đáp ứng nhu cầu dân sinh, nhưng lại mâu thuẫn với những quy định về bảo tồn di sản.

Ðể việc xây dựng, sửa chữa đi vào quy củ, năm 2013, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc phố cổ Hà Nội, với những quy định về mặt đứng, chiều cao… cho từng con phố.

Quy chế này cho phép người dân được phép xây dựng, cải tạo nếu đáp ứng các quy định. Tiếp đó, Quy hoạch Phân khu đô thị H1-1A (khu phố cổ) công bố năm 2021 cũng một lần nữa đề ra những quy định cụ thể về chiều cao công trình tương tự như Quy chế Quản lý. Thậm chí, quy hoạch này còn cho phép xây dựng công trình cao 8 tầng với chức năng thương mại, dịch vụ, khách sạn nếu đáp ứng được một số yêu cầu.

Ở đây, chưa nói đến những công trình vi phạm quy định tại Quy hoạch, Quy chế, nếu chiếu theo quy định của Luật Di sản văn hóa, phần lớn các công trình xây dựng, tu sửa trong khu phố cổ đều đang gặp những vướng mắc, đặc biệt là những công trình thuộc Khu bảo vệ cấp I.

Cụ thể tại khoản a, Ðiều 32 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”.

Như vậy mọi công trình xây dựng phải có sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chưa kể, phải tuân thủ nhiều quy định, quy trình khác về công tác tu bổ di tích.

Nếu đem ra đối chiếu, Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc phố cổ Hà Nội lẫn Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A mặc dù đáp ứng nhu cầu dân sinh, nhưng lại mâu thuẫn với những quy định về bảo tồn di sản.

Khác với đình, đền, chùa, lăng, miếu… tại những di tích (di sản văn hóa vật thể) có cư dân sinh sống như phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An hay làng cổ Ðường Lâm..., việc cho phép xây dựng, sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nhưng lại có thể vi phạm các quy định về quản lý di sản.

Ngược lại, nếu quản lý đúng như yêu cầu Luật Di sản văn hóa, thì cuộc sống của người dân sẽ đứng trước nhiều bất cập do nhà cửa xuống cấp mà không được, hoặc khó khăn trong xây dựng, tu sửa. Trên thực tế, phố cổ Hà Nội có hàng chục nghìn kiến trúc cũ, mới xen lẫn.

Trong đó, chỉ có vài trăm công trình di tích đình, đền, nhà cổ có giá trị. Phần lớn là những kiến trúc xây dựng, cải tạo sau này. Nhưng hiện nay việc phân biệt cổ-mới chưa nhất quán, mà vô hình trung toàn bộ khu phố bị đội chung cái “mũ” Di tích quốc gia; gồm cả những công trình mới không thuộc trong danh mục phải bảo tồn. Với cách tiếp cận có sự phân biệt rạch ròi, chúng ta sẽ có giải pháp ứng xử phù hợp với từng đối tượng.

Nếu quản lý đúng như yêu cầu Luật Di sản văn hóa, thì cuộc sống của người dân sẽ đứng trước nhiều bất cập do nhà cửa xuống cấp mà không được, hoặc khó khăn trong xây dựng, tu sửa. Trên thực tế, phố cổ Hà Nội có hàng chục nghìn kiến trúc cũ, mới xen lẫn.

Luật Di sản văn hóa đã góp phần tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể trong những năm qua. Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ, nhiều vấn đề văn hóa-xã hội đã có những thay đổi; giao lưu quốc tế ngày một mạnh mẽ hơn, chúng ta gặp phải những vấn đề mới khác với thời điểm Luật Di sản văn hóa được ban hành và những lần sửa đổi trước đây.

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và trình Quốc hội trong thời gian tới. Ðây là cơ hội để đưa ra những điều chỉnh để phù hợp với thực tế đang diễn ra, cũng như tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho công tác quản lý nhà nước về di sản trong thời gian tới.

Một vấn đề khá “nóng” trong thời gian gần đây là nguồn lực xã hội hóa trong tu bổ di tích. Do số lượng di tích lớn, nguồn lực ngân sách có hạn cho nên vốn xã hội hóa đóng vai trò quan trọng trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều di tích, nguồn lực xã hội hóa chiếm đến 50%, thậm chí 70% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, các di tích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa cũng là những di tích có nguy cơ xảy ra sai lệch, biến dạng nhiều nhất.

Ðiều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng, xã hội hóa là “con dao hai lưỡi” trong tu bổ di tích, khi nhiều nhà hảo tâm muốn can thiệp sâu vào việc tu bổ, dẫn đến những sai lệch, thậm chí là những sai phạm đáng tiếc.

Ðiển hình như trường hợp xảy ra tại đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) năm 2018. Ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng và cần tu bổ. Trong quá trình chuẩn bị tu bổ, hai cá nhân công đức khoản tiền là 3,5 tỷ đồng và đây được cho là một trong những nguyên do dẫn tới việc ngôi đình bị tháo dỡ và xây dựng ngôi đình bê-tông hóa hoàn toàn.

Luật Di sản văn hóa hiện nay mới chỉ có quy định chung về khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và nguồn tài chính dành cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả (Ðiều 61).

Với quy định hiện hành, sau khi đóng góp, tài trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí (hoặc hiện vật), di tích sẽ được triển khai tu bổ theo các quy định tại Nghị định số 166/2018/NÐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 12/2018 Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tháng 12/2019 Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Song, cả hai văn bản quy phạm pháp luật này đều chủ yếu đề cập đến thủ tục giấy tờ trong việc lập dự án và các vấn đề kỹ thuật của tu bổ di tích.

Từ thực tế những bất cập, Luật Di sản văn hóa cần có quy định rõ hơn về vai trò của tổ chức, cá nhân khi đóng góp, tài trợ. Chẳng hạn như phải tuân thủ các quy định nhà nước về công tác tu bổ, không được can thiệp vào công tác tu bổ của các cơ quan chuyên môn. Các quy định này phải ở mức độ luật hóa để tạo cơ sở để các cơ quan, địa phương triển khai trên thực tế, tránh sự can thiệp làm sai lệch công tác chuyên môn như đã từng xảy ra, nhất là khi nhiều tổ chức, cá nhân muốn đóng góp, tài trợ bằng hiện vật trong công tác tu bổ.

Hiện nay, Việt Nam đã có hàng chục di sản thiên nhiên, văn hóa được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới. Các Di sản Văn hóa thế giới đều phải thực hiện báo cáo định kỳ về công tác bảo vệ, phát huy giá trị. Nếu việc bảo vệ không tốt, UNESCO có thể ra quyết định thu hồi danh hiệu. Thực tế, UNESCO đã “tước danh hiệu” của một số di sản.

Gần đây, thành phố Liverpool (Vương quốc Anh) đã bị thu hồi danh hiệu, nguyên nhân chính là việc triển khai dự án Liverpool Waters, cho phép tái tạo, xây dựng các tòa nhà mới như căn hộ, văn phòng, khách sạn... tại các bến tàu nổi tiếng có từ thời Victoria. Cơ chế này đưa ra cảnh báo và thu hồi danh hiệu buộc các quốc gia có di sản được ghi danh tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ các di sản. Tại Việt Nam, pháp luật hiện nay mới có cơ chế công nhận di tích, di sản chứ chưa có quy định về thu hồi danh hiệu, tước danh hiệu.

Không bị áp lực “mất danh hiệu” là một trong những nguyên nhân khiến chủ nhân của những di tích thiếu trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Khi một tấm bằng công nhận di tích được trao, di tích đó gần như được công nhận vĩnh viễn.

Hiện nay nổi lên ba vấn đề chính trong tu bổ di tích là: Tự ý hạ giải, xây dựng lại hoặc tự ý xây dựng thêm hạng mục trong khu vực bảo vệ của di sản; tu bổ sai lệch (xây thêm, hoặc làm sai lệch) so với hồ sơ thiết kế được cơ quan chức năng phê duyệt, thỏa thuận; không xây thêm các hạng mục, thay đổi hình thái kiến trúc nhưng lại không tận dụng tối đa các cấu kiện cũ (kiến trúc cổ truyền Việt Nam chủ yếu dùng vật liệu gỗ cho bộ khung).

Ðiều này khiến quá trình tu bổ làm sai lạc nghiêm trọng yếu tố nguyên gốc; hoặc xây một công trình mới “mô phỏng” kiến trúc cũ, chỉ giữ lại một số cấu kiện cũ ở mức độ tối thiểu, nhưng sau đó, di tích vẫn được treo nguyên tấm biển “Di tích lịch sử văn hóa”.

Việc công nhận di tích được thực hiện trên cơ sở giá trị lịch sử, nét đẹp của kiến trúc, điêu khắc… của di sản từ thế hệ trước, đã trải qua hàng trăm năm tồn tại, gắn bó với đời sống văn hóa, xã hội, tâm linh của nhiều thế hệ.

Khi được tu bổ nhưng hầu như không giữ lại những giá trị cũ, hay thậm chí là xây dựng một công trình mới na ná giống di tích cũ thì việc thu hồi danh hiệu là cần thiết. Kinh nghiệm từ việc ghi danh-thu hồi danh hiệu của UNESCO là bài học cần tham khảo và luật hóa, tạo cơ chế răn đe, ngăn chặn sớm những hành động làm sai lệch di sản, trong đó, nhiều hành động có chủ đích.

Di sản văn hóa là vốn quý cha ông để lại. Gìn giữ cho hôm nay và mai sau là trách nhiệm của toàn xã hội. Mặt khác, hiện nay công nghiệp văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, trong đó di sản văn hóa chính là một nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào để khai thác, nhất là trong lĩnh vực du lịch văn hóa.

Song, để có thể khai thác tốt nguồn lực này thì nhiệm vụ trước hết là phải gìn giữ bảo vệ di sản. Trong đó, một hệ thống hành lang pháp lý hoàn thiện và triển khai thực thi thật nghiêm túc chính là nền tảng căn bản để bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách tối ưu, bền vững.