Mang nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ

Giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống ở không gian công cộng đang là hướng mà nhiều tổ chức, cá nhân tại thành phố lựa chọn để tiếp cận giới trẻ. Không chỉ biểu diễn miễn phí, các dự án còn thường xuyên tổ chức những hoạt động trải nghiệm, tương tác nhằm gửi trao các thông điệp ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn viên Hạ Nắng (áo dài xanh) diễn các trích đoạn cải lương, đờn ca tài tử tại sân khấu nhỏ thuộc Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh.
Diễn viên Hạ Nắng (áo dài xanh) diễn các trích đoạn cải lương, đờn ca tài tử tại sân khấu nhỏ thuộc Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên dãy bàn đặt tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên dự án “Gánh hát lưu diễn muôn phương” bày biện cuốn sách ảnh nghệ thuật minh họa 36 loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian truyền thống ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam do chính họ thực hiện.

Cùng với đó là các vật phẩm gắn liền với khá nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống để khơi gợi sự tò mò, thích thú của người trẻ khi đến không gian văn hóa công cộng này. Tại sân khấu nhỏ gần đó, dự án còn mời diễn viên cải lương trẻ Hạ Nắng về trình bày nhiều trích đoạn đờn ca tài tử, cải lương quen thuộc. Ở khu vực sát bên, nhiều bạn trẻ say sưa với hoạt động tô mầu tranh giới thiệu các loại hình diễn xướng quen thuộc tại Nam Bộ.

“Gánh hát lưu diễn muôn phương” là dự án được bốn bạn trẻ triển khai từ trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố. Từ ý tưởng ban đầu là cuốn cẩm nang giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, nghệ thuật dân gian tại khu vực miền nam theo hình thức song ngữ phục vụ du khách là chủ yếu, về sau, dự án được phát triển thành sách nghệ thuật với đa dạng nội dung.

Vũ Trương Phi Phụng, trợ lý dự án “Gánh hát lưu diễn muôn phương” cho biết: Ngoài cuốn sách ra mắt cách đây gần một năm, dự án còn tập trung vào các hoạt động biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật truyền thống mà đối tượng tiếp cận trọng tâm là giới trẻ. “Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng/Vào ra luống trông tin chàng/Đêm năm canh mơ màng…”, khi những câu hát đầu tiên của bản “Dạ cổ hoài lang” vang lên tại sân khấu nhỏ, nhiều khách tham quan Đường Sách tỏ ra ngạc nhiên, thích thú.

Họ rủ nhau cùng đứng lại thưởng thức, đa phần là người trẻ. Hạ Nắng mặc chiếc áo dài xanh, khoe chất giọng ngọt ngào với bản nhạc cổ mang đậm nét trữ tình của đất và người phương nam. Rất nhiều người thuộc lời đã đứng lại, cùng hát theo, tạo nên bầu không khí ấm cúng, thân thương.

Ngoài việc thường xuyên tham gia biểu diễn tại các địa điểm văn hóa cộng đồng như thế này, diễn viên cải lương trẻ Hạ Nắng đã tham gia cùng các đoàn đờn ca tài tử, đưa nghệ thuật truyền thống đến hệ thống trường học tại thành phố. Điều khiến diễn viên cải lương này tâm đắc nhất là đã cùng một số bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống triển khai dự án “Cải lương from here” hướng tới nhóm khán giả học sinh, sinh viên.

Từ tháng 4 đến nay, Hạ Nắng đã tổ chức được ba chương trình chia sẻ, truyền cảm hứng về nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử với bạn trẻ. Rất nhiều thông tin về loại hình nghệ thuật truyền thống như: Đặc điểm cơ bản của cải lương, cải lương và đờn ca tài tử khác nhau như thế nào, cải lương có gì thú vị… đã được nghệ sĩ Hạ Nắng cùng các nghệ sĩ khác chọn lọc, làm mới và giới thiệu theo cách súc tích nhất cho người nghe.

Các chương trình đều được chọn tổ chức ở quán cà-phê nơi nhiều bạn trẻ thích ghé thăm và đều không thu phí. Sau mỗi phần chia sẻ, bao giờ diễn viên cũng hát vài đoạn phù hợp để người trẻ dễ hình dung cái đẹp, cái hay của cải lương, đờn ca tài tử. “Từ chương trình thứ tư, em và các bạn đồng hành sẽ thu một mức phí tượng trưng để duy trì hoạt động đường dài. Em cảm thấy hạnh phúc khi có thể lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật truyền thống đến các bạn trẻ, diễn viên Hạ Nắng phấn khởi cho hay.

Cũng đam mê nghiên cứu, giữ gìn nét đẹp của nghệ thuật truyền thống, từ nhiều năm nay, anh Phan Khắc Huy, Trưởng dự án Đối thoại văn hóa cộng đồng tổ chức khá nhiều chương trình bảo tồn, quảng bá các loại hình diễn xướng và văn hóa, lịch sử vùng đất Nam Bộ. Sau thành công của chuỗi chương trình “Diễn xướng Nam Bộ” nhằm mục tiêu lưu trữ và giới thiệu các loại hình diễn xướng cổ truyền của miền nam, cách đây không lâu, anh Huy tiếp tục mở rộng phạm vi lan tỏa với dự án “Vang vọng trống chầu”, tập trung nhiều hơn vào giáo dục, truyền cảm hứng cho đối tượng học sinh, sinh viên.

Dự án gồm nhiều hoạt động mang tính cộng đồng như tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian, giới thiệu nhiều giáo trình thú vị về nghệ thuật truyền thống, các lớp học thú vị. Điểm nhấn của dự án là thư viện “Lục tỉnh cầm ca” với bộ giáo trình cùng các tài liệu, băng ghi âm, video giới thiệu các loại hình diễn xướng, cổ truyền như hò-lý, hát sắc bùa, hát bội, đờn ca tài tử, cải lương… Bộ giáo trình gồm bốn cuốn là “Đường vào hát bội”, “Đường vào diễn xướng dân gian Nam Bộ”, “Đường vào đờn ca tài tử” và “Đường vào cải lương” được biên soạn, thiết kế, bổ sung các hình ảnh theo hướng súc tích, ấn tượng nhằm thu hút bạn đọc trẻ.

Theo anh Huy, học sinh từ lớp 6 trở lên đã có thể tiếp cận bộ giáo trình đậm chất văn hóa dân gian này. Các cuốn giáo trình đều được tích hợp công nghệ để bạn đọc vừa tham khảo thông tin trên sách, vừa thưởng thức nghệ thuật thông qua hình thức quét mã QR. Anh Huy cùng các cộng sự trẻ còn tạo ra nền tảng giáo dục trực tuyến mang tên “Lớp học 1 tô” nhằm giúp bạn trẻ chủ động bổ sung kiến thức phổ thông, kiến thức về đời sống văn hóa-xã hội, lịch sử, nhất là nghệ thuật truyền thống của dân tộc.